Chương 9
Khi quan sát các chính quyền của xứ Lacedaemon (Sparta) và Crete, và
thực ra trong tất cả các chính quyền hiện hữu, có hai điểm cần để ý: thứ
nhất, khi so sánh với một nhà nước toàn hảo, có bất kỳ một đạo luật nào là
xấu hay tốt không; thứ hai, có đạo luật nào tương phản với nguyên tắc và
đặc tính của hiến pháp không. Ai cũng công nhận rằng trong một nhà nước
được tổ chức tốt, mọi công dân đều có thì giờ nhàn rỗi và không phải bận
tâm đến việc phải lo lắng đến cái ăn, cái mặc. Nhưng có điều khó khăn là
làm cách nào để bảo đảm là công dân có được thì giờ nhàn rỗi như vậy.
Những nông nô xứ Thessaly vẫn thường nổi dậy chống lại chủ nhân, và
những nông nô xứ
Lacedaemon cũng thường nổi dậy chống lại chủ nhân, vì hoàn cảnh khốn
khổ của họ khiến cho họ luôn chờ cơ hội để nổi dậy. Thế nhưng, những
điều như vậy lại chưa hề xảy ra với người Crete; có lẽ là vì các lân quốc
của Crete, ngay cả khi đánh lẫn nhau, cũng chưa bao giờ liên kết với các
phần tử nông nô nổi loạn, họ không muốn khuyến khích nổi loạn vì ngay
trong nước họ cũng có nông nô. Trong khi các lân bang của Sparta - Argos,
Messenia, hay Arcadia - đều là kẻ thù của nước này. Ở Thessaly cũng thế,
cuộc nổi dậy của nông nô xảy ra khi Thessaly đang giao chiến với các lân
bang Achae, Magnesia, và Perrhaebi. Hơn thế nữa, nếu không còn sự khó
khăn nào khác, thì nguyên việc quản trị nô lệ đã là điều rắc rối rồi; bởi vì,
nếu không dùng kỷ luật, thì bọn nô lệ trở thành láo xược và nghĩ rằng
chúng cũng giỏi giang như chủ nhân, nhưng nếu đối xử với chúng khắc
nghiệt một chút, thì chúng đâm ra căm tức và âm mưu làm phản. Như vậy,
thật là rõ ràng khi xảy ra những việc nông nô gây loạn, điều này cho thấy là
những nước có nô lệ chưa tìm được bí quyết để cai quản dân cư của mình.
Ngoài ra, phụ nữ Sparta lại được sống một cách phóng túng; điều này làm
hỏng ý định của hiến pháp Sparta và đi ngược lại với hạnh phúc của quốc