Tất nhiên là hiện nay tôi không còn có mặt ở trường, nhưng tôi xin bảo đảm
các bạn sẽ không thất vọng về những bạn bè của tôi ở đó. Các bạn có biết là
chúng tôi được huấn luyện và kiểm tra nghiêm ngặt như thế nào không? Ồ,
đủ các bài khảo thí và thử thách…
Nói cách khác, không phải bất cứ con chó nào cũng được nhận vào trường
đâu nhé. Chúng tôi – những “sinh viên” của “trường đại học” ấy – đều phải
giữ được sự cân bằng tâm lý, không bị tác động bởi các loại tiếng ồn (phải
cố làm như không nghe thấy), phải biết phớt lờ lũ mèo đáng ghét, coi chúng
như… chết rồi. Nhưng trong thực tế, dù muốn hay không, chúng tôi vẫn
phải nhìn thấy chúng (làm sao có thể không thấy chúng được?), nhưng tôi
muốn nói là có nhìn thấy cũng đừng để ý đến chúng. Tôi lại sai nữa rồi.
Chúng tôi vẫn để ý đến chúng. Nhưng chúng tôi tuyệt đối không có quyền
phản ứng trước những… trò mèo của chúng. Lũ mèo khốn lợi dụng triệt để
điều khoản này để chọc phá chúng tôi. Tôi nói nghiêm túc đấy.
Xin dẫn chứng một trường hợp xảy ra cách đây không lâu. Tôi dẫn Sashka
vào cửa chung cư để lên cầu thang (cầu thang có rất nhiều bậc, cần phải hết
sức cẩn thận), bỗng nhiên từ căn hộ ở tầng trệt lao ra một ả mèo Ba Tư (gọi
theo nòi hay theo màu lông, hiểu thế nào cũng được). Bộ dạng cô ả trông dị
hợm đến thảm hại, trên cổ đeo chiếc nơ hồng thấy phát ớn, móng được cắt
ngắn, đuôi xù bốc mùi nước hoa gắt chết đi được, hai tai thì như hai cái
chảo ăng-ten định vị, chìa sang hai bên. Tôi xin thề với các bạn bằng danh
dự loài chó rằng trong đầu tôi không hề có ý nghĩ là sẽ gừ lên một tiếng chứ
đừng nói là sủa, mặc dù rất bực con mèo gớm ghiếc ấy. Vậy mà cô nàng
tiểu thư lông vàng chẳng biết điều thì chớ, lại còn “phừ” lên một tiếng rõ to,
xù đuôi ra, cong lưng lại rồi bất ngờ cho tôi một vả vào mõm, ấy, xin lỗi,
vào mặt. Tức điên, nhưng tôi chỉ âm thầm liếm mấy giọt máu mằn mặn
quanh mép rồi lặng lẽ đưa Sashka về nhà. Chứ biết làm gì bây giờ? Chúng
tôi không được phép lơ là nhiệm vụ để ăn thua đủ với lũ mèo ngu ngốc ấy.