không sủa ai, chẳng gầm gừ dọa nạt ai. Vậy mà ông ấy lại tỏ ra không ưa hệ
thần kinh của tôi. Tôi có cảm giác rằng ông ấy muốn moi thêm chút đỉnh
tiền của mẹ Svetlana. Đúng rồi, đúng là moi rồi: tôi nhìn thấy, khi tiễn ông
bác sĩ ra cửa, mẹ có nhét cái gì đó vào túi ông ấy. Quả là một tuyệt chiêu:
lấy hệ thần kinh chó để thử thách hệ thần kinh con người. Bây giờ thì tôi đã
hiểu, vấn đề không phải ở hệ thần kinh mà ở những tờ bạc giấy.
Nhìn người ta mà xem, vì những tờ giấy bạc ấy, họ có thể cắt cổ lẫn nhau
theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Đi đâu cũng chỉ nghe người ta nói tiền,
tiền và tiền… Dù sao, tôi cũng hiểu rằng không có tiền thì lấy gì mua thức
ăn cho chó. Đương nhiên là thức ăn cho người cũng phải mua bằng tiền. Bà
ngoại Elizaveta Maximovna thường nói rằng tiền chẳng khác gì nước. Chắc
bà nói hơi quá. Thứ nước ấy là gì? Thử nếm thứ nước ấy xem có được
không. Đó chỉ là một thứ giấy, nhưng không phải là loại giấy dùng để gói
hàng, vì chẳng có mùi thịt gà, thịt lợn gì. Trong một bộ phim nào đó trên
tivi tôi nghe người ta nói rằng giấy bạc không có mùi. Nói vậy không đúng
tí nào. Tôi đây chẳng hạn, có thể dựa theo mùi để tìm thấy bất cứ tờ giấy
bạc nào. Các bạn không tin ư?
Lần nọ, trên tàu điện, một hành khách nào đó đã rút mất ví tiền từ trong túi
cụ Ivan Savelievich. Dĩ nhiên tôi rất xấu hổ vì đã không để mắt nên không
phát hiện ra ngay tức thì hành vi trộm cắp nhơ bẩn ấy. Mà thực tình, tôi
cũng không ngờ người ta có thể hành động tán tận lương tâm như vậy đối
với người tàn tật. Làm sao tôi biết được rằng người ta có thể thò tay vào túi
của nhau mà khoắng. Tôi đang nằm lim dim bên chân cụ Ivan Savelievich,
bỗng nghe cụ kêu lên với người lái tàu:
- Xin đừng mở cửa, xin đừng mở cửa!
Ban đầu tôi chẳng hiểu gì cả. Tôi cứ nghĩ, ơ, sao ông cụ lại yêu cầu lạ lùng
vậy, muốn ngồi luôn trên tàu sao?