học những chú bé chuyên dẫn đường cho các ông bà lão bị mù. Trong tủ
sách khổng lồ của gia đình bà nhà văn Anna Ygorevna có rất nhiều tác
phẩm như thế. Đó là vở kịch “Antigone” của Sophocles, triết gia và là nhà
soạn kịch Hy Lạp cổ đại, trường ca “Người hát rong” của đại thi hào người
Ukraina Taras Shevchenko, “Bút ký Mudfog” của đại văn hào Anh Charles
Dickens, “Shvambraniya và sổ hạnh kiểm” của nhà văn Nga-Xô viết Lev
Kassilya và “Trong ngõ cụt” của Vikenty Veresaev, cũng là một nhà văn
Nga-Xô viết, vân vân. Tóm lại, những tác phẩm có nói đến trẻ dẫn đường
cho người mù rất nhiều, không thể kể hết.
Qua những buổi trò chuyện của những người trong nhà bà Anna, tôi được
biết, trẻ dẫn đường cho người mù còn được thể hiện trong nhiều tác phẩm
của các họa sĩ danh tiếng. Tôi chưa bao giờ được nhìn thấy những bức họa
ấy, và thực lòng rất muốn được xem. Rất có thể một ngày nào đó các bạn sẽ
may mắn được nhìn thấy những tác phẩm ấy khi tham quan các bảo tàng
mỹ thuật. Nếu nhìn thấy, nhớ xem thật kỹ nhé, để ghi nhớ, làm hành trang
kiến thức cho bản thân và còn để… thuật lại cho tôi nữa chứ. Cũng đừng
quên ghi nhớ lời thuyết minh của nhân viên bảo tàng. Còn tôi, biết đến đâu
tôi nói đến đó nhé. Tôi có nghe nói đến bức tranh “Cứu chữa người mù ở
Jericho”, được danh họa người Hà Lan Lucas van Leyden sáng tác từ thế kỷ
16. Ở thế kỷ 17, họa sĩ người Tây Ban Nha Jóse de Ribera có bức “Người
ăn xin mù”. Các họa sĩ Nga cũng không né tránh đề tài này. Chẳng hạn, họa
sĩ Vassily Perov có bức “Tiệc trà ở làng Mychishi, gần Matxcơva”, họa sĩ
Nikolai Sverchkov có bức “Khách lữ hành”. Cả hai tác phẩm này đều ra đời
ở thế kỷ 18.
Nhìn chung, các họa sĩ mọi thời đại đều ưa thích vẽ chó. Không, tôi muốn
nói không chỉ chó dẫn đường được lên tranh. Nếu đến lúc này bạn đọc chưa
buông bỏ cuốn sách (và xin đừng bỏ - tiếp theo sẽ có những sự kiện mà bạn
không cách nào đoán trước được đâu), có nghĩa bạn đích thị là người yêu
quý chó. Vì thế, tôi xin phép các bạn được kể thêm đôi chút về những con
chó hiện diện trong những tác phẩm của các họa sĩ vĩ đại. Tất nhiên, về đề