tài này có thể nói rất nhiều, thậm chí có thể viết hẳn một cuốn sách, nhưng
tôi cố gắng nói ngắn gọn – chỉ về một vài bức tranh thôi. Nếu có điều kiện,
các bạn cố gắng xem bằng được những tác phẩm hội họa ấy nhé.
Trước hết là bức “Chân dung tự họa” của danh họa người Anh William
Hogarth, được hoàn thành năm 1745. Có vẻ lạ, nếu đó là chân dung tự họa,
cớ gì trong tranh lại có mặt cả Trump, con chó cưng của họa sĩ? Nhưng
người xem tranh phải tự trả lời câu hỏi đó. Tôi tin chắc rằng những câu trả
lời được đưa ra sẽ rất khác nhau và rất thú vị.
Năm 1565, họa sĩ người Hà Lan Pieter Bruegel sáng tác một bức tranh rất
thú vị, bức “Những người thợ săn trên tuyết”. Trong tranh có hơn chục con
chó. Bức tranh sống động đến kinh ngạc. Đến nỗi tôi muốn nhập bọn với
những con chó trong tranh.
Hồi thế kỷ 17, họa sĩ người Hà Lan Samuel Dirksz van Hoogstraten sáng
tác họa phẩm nổi tiếng “Cảnh hành lang”. Thực ra, ở đây có đến ba con vật
– chó, mèo và vẹt. Nhưng tất nhiên tâm điểm chú ý của người xem hướng
vào con chó dễ thương đang nhìn chăm chú ra bên ngoài ngạch cửa và
dường như đang chuẩn bị sủa một vị khách không mời nào đó.
Hồi thế kỷ 19, một họa sĩ nổi tiếng từng được Nữ hoàng Anh Victoria ưa
thích là quý ngài Edwin Landseer. Thời ấy, trong xã hội có mốt bàn về trí
tuệ của loài vật, vì thế nhà danh họa này đã thể hiện trong tranh những con
chó mang xúc cảm loài người. Nếu được chiêm ngưỡng bức “Cứu mạng”
của ông, chắc chắn các bạn nhớ đến tôi và tập 1 của cuốn sách này. Hãy
nhìn kỹ đi: trong bức tranh này, con chó trông giống hệt con người. Và có
một điều đáng chú ý, đó là tên ông được đặt cho một giống chó thuộc phân
loài chó Newfoundland. Các bạn đã nghe đến giống chó Landseer bao giờ
chưa? Cần biết thêm rằng đó chính là những bà con xa của giống chó
Labrador chúng tôi đấy.