tranh vui, nhưng vẫn phải giữ nó xa em, cho đến khi nào chị tìm được việc
làm khác và có thể thuê một phòng đủ cho ba mẹ con ở cùng nhau. Lúc đó
chị sẽ đến Calcutta đón Estha, và em sẽ có quyển truyện tranh đó. Ngày ấy
sẽ không còn xa, Ammu nói. Nó có thể xẩy ra vào bất cứ ngày nào. Thuê
ngay một căn phòng chẳng có vấn đề gì. Chị bảo chị đã nộp đơn xin làm
cho Liên hiệp quốc, cả ba mẹ con sẽ sống ở The Hague, có một người hầu
gái Hà Lan chăm sóc họ. Ammu nói chị có thể lưu lại Ấn Độ và thực hiện
kế hoạch lâu dài, khởi công một trường học. Lựa chọn giữa sự nghiệp Giáo
dục và việc làm cho Liên hiệp quốc không dễ dàng gì, nhưng cần phải nhớ
là chị được lựa chọn là một đặc ân lớn.
Nhưng chị nói, cho đến lúc quyết định, chị vẫn để quà cho Estha ở xa
em đã.
Suốt buổi sáng hôm đó, Ammu nói chuyện không ngừng. Chị hỏi Rahel
nhiều câu hỏi, nhưng không để em trả lời. Nếu Rahel định nói câu gì đó,
Ammu ngắt ngay bằng một ý tưởng mới hoặc một câu hỏi. Hình như chị sợ
con gái nói ra một điều chín chắn sẽ làm tan Thời gian Đã Đóng băng. Nỗi
sợ hãi làm chị huyên thuyên không ngừng. Chị giữ chúng trong căn phòng
đầy những lời lảm nhảm.
Người chị sưng vù vì cortisone, mặt tròn vành vạnh, còn đâu người mẹ
mảnh dẻ mà Rahel từng biết. Da chị căng lên trên đôi má sưng húp, giống
như những vết sẹo sáng bóng trên nốt tiêm chủng. Lúc chị mỉm cười, đôi
lúm đồng tiền của chị trông như những vết thương. Mái tóc quăn của chị đã
mất đi vẻ lộng lẫy và bao quanh bộ mặt sưng phù của chị như một tấm rèm
mờ xỉn. Chị thở bằng một cái máy xông bằng thủy tinh để trong cái túi xch
tả tơi. Những luồng hơi Brown Brovon. Mỗi hơi chị thở giống như một
cuộc chiến chống lại quả đấm thép, và chị cố ép không khí trong phổi ra.
Rahel ngắm nhìn mẹ thở. Mỗi lần chị hít vào, những xương đòn sâu hoắm
của chị hõm lại, đầy ắp những bóng tối.
Ammu khạc một cục đờm ra khăn tay và giơ cho Rahel: