Cô tưởng tượng họ ở bên nhau, tranh luận về Thần học trong những căn
phòng mờ tối, rèm buông dầy. Đó là tất cả những gì cô mong muốn. Là tất
cả những gì cô dám hy vọng. Chỉ cần được gần Cha. Gần đến mức ngửi
thấy mùi râu của Cha. Nhìn thấy tấm áo thầy tu dệt thô của Người. Được
yêu người chỉ bằng cách nhìn ngắm Người.
Cô sớm nhận ra những cố gắng vô ích của mình. Cô thấy các Xơ bề trên
độc quyền chiếm giữ các giáo sĩ, cha cố bằng những ngờ vực kinh thánh
còn tinh tế hơn cô nhiều, và chắc phải mất rất nhiều năm cô mới đến gần
Cha Mulligan. Trong tu viện, cô ngày càng bồn chồn và bất hạnh. Cô phát
triển tính gây gổ, bướng bỉnh, chà xát không ngừng khăn chùm đầu cho xơ
ra. Cô cảm thấy mình nói tiếng Anh giỏi hơn bất kỳ ai ở đây. Nó làm cô
càng thấy lẻ loi hơn bao giờ.
Trong vòng một năm cô vào tu viện, cha cô bắt đầu nhận được những
bức thư của cô gửi qua bưu điện làm ông bối rối: Bố yêu quí nhất của con,
con rất vui và hạnh phúc được phục vụ Đức Mẹ Thiêng liêng. Nhưng Koh-i-
noor có vẻ không vui và nhớ nhà. Bố ơi, sau bữa trưa Koh-i-noor
[2]
nôn và
sốt. Hình như Koh-i-noor không hợp với thức ăn của tu viện, dù con thấy
thích. Bố kính yêu nhất của con, Koh-i-noor đang hoang mang vì gia đình
cô ấy có vẻ không hiểu hoặc không hề quan tâm đến sức khỏe của cô ấy...
Thực ra lúc đó Đức Cha E.John Ipe không biết một Koh-i-noor nào khác
ngoài tên của viên kim cương lớn nhất thế giới. Ông băn khoăn không biết
cô gái có cái tên Hồi giáo đó có chết trong một Tu viện Thiên chúa giáo hay
không.
Cuối cùng, mẹ của Baby Kochamma hiểu ra rằng Koh-i-noor chẳng
phải ai khác, mà chính là Baby Kochamma. Bà nhớ từ rất lâu trước đó, bà
đã cho Baby Kochamma xem bản di chúc của phụ thân bà (ông ngoại của
Baby), trong đó cụ đã viết, mô tả các cháu như sau: Tôi có bẩy đứa cháu,
trong đó có một đứa là Koh-i-noor của tôi. Cụ di chúc lại cho mỗi cháu một
ít tiền và đồ nữ trang, không nói rõ cụ coi đứa cháu nào là Koh-i-noor. Mẹ