của Baby Kochamma biết rõ Baby Kochamma không có lý gì lại nghĩ đến
chuyện đó và cho là ông ngoại định ám chỉ cô - mãi sau này bà mới biết
trong những năm đó, ất cả các bức thư của cô đều bị Mẹ Nhất đọc trước khi
gửi đi, nên cô phải gợi lại cái tên Koh-i-noor để chia sẻ những chuyện phiền
muộn với gia đình.
Đức cha Ipe đến Madras và xin con gái ra khỏi tu viện. Cô rất vui sướng
ra đi, nhưng khăng khăng không chịu cải đạo, và sẽ là tín đồ Công giáo La
mã đến hết đời. Đức cha Ipe hiểu rằng con gái ông đã bị “tai tiếng” và chưa
chắc đã kiếm được một tấm chồng. Vì có thể cô không lấy được chồng, ông
quyết định cho cô học hành cũng chẳng có hại gì. Vì thế ông thu xếp để cô
học một khóa tại Trường Đại học Tổng hợp Rochester ở Mỹ.
Hai năm sau, Baby Kochamma mang tấm bằng Trang trí vườn từ
Rochester về, nhưng cô càng đắm say Cha Mulligan hơn bao giờ hết.
Không còn dấu vết gì của cô gái mảnh dẻ, hấp dẫn hồi nào. Trong những
năm ở Rochester, Baby Kochamma đã trở nên rất to lớn. Nói thực là đã béo
sệ ra. Ngay cả cô thợ may nhỏ nhắn, rụt rè Chellappen ở Chungan Bridge
cũng nhấn mạnh đến tỷ lệ áo thụng cho bộ sari của cô.
Muốn cho con gái đỡ buồn phiền, Đức Cha giao cho Baby Kochamma
khu vườn trước trụ sở giáo đoàn Ayemenem, cô trồng một khu vườn cách
tân, táo bạo làm dân chúng khắp nơi ở Kottayam phải đến xem.
Một con đường đất chạy vòng quanh, dốc, một đường cho xe chạy rải
sỏi lượn nghiêng xung quanh. Baby Kochamma biến khu vườn thành một
mê cung xanh tốt, có hàng rào thấp vây quanh, có những tảng đá và nhiều
máng xối. Thứ hoa cô ưa nhất là anthurium. Anthurium andraeanum. Cô có
cả một bộ sưu tập loài hoa đó, nào “Rubrum”, nào “Honeymoon’ và cả một
loài của Nhật. Những bông hoa hình mo đơn độc, rủ bóng lốm đốm từ mầu
đen đến mầu đỏ thắm và mầu vàng sáng. Nổi bật nhất là những mo hoa
vàng óng từ đầu đến cuối.