Hai người làm hì hụi. Nhưng mỗi lúc nghĩ tới phó Cật, thì Lực
vẫn bần thần. Chậc, rồi thì lão ta cũng đến được tha. Đồng
tiền rảy ra, hòn xôi ném miệng thì đâu mà chẳng lọt. Sao Lực cứ
tưởng trước ra như thế? Vì Lực đã thấy mỗi bận Tây càn làng, cả
làng chạy, cả làng phải tập trung, thì các nhà có máu mặt không đi
đâu cả, họ chỉ mở cổng ngồi trong nhà rồi bày ra nào chuối, nào
trứng gà, nước chè nóng, rượu lậu, để đón Tây càn có đi vào thì ăn.
Thế thì dù là “ông phó Cật ở ngoài kia đã làm việc cho ta” đi nữa,
rồi Tây nó cũng đến thả. Mà tất nhiên, ông phó Cật về, thì Lực
không thích bằng ông phó Cật cứ ở ngoài hậu phương.
Lực chẳng lạ những điều mặn nhạt ở đời đã trải qua trong nhà
đó. Mười một tuổi, Lực đã biết khiêng ngược được cái lưỡi cày
chạy theo đuôi trâu ra đồng. Tới khi “bùng nổ”, nhà ông phó Cật
tản cư. Lực phải ở lại giữ ruộng làm đổ tô. Nhưng thế mà dễ chịu
hơn, bởi thật đến khi đó Lực mới khỏi ăn cơm ngữ. Cho nên, bây
giờ nghe phó Cật về, Lực cứ lan man, chan chán. Lực ngoảnh lên
hỏi ông đồng Vây:
- Năm ngoái không ra đổ tô, bây giờ ông ấy về đòi thì làm thế
nào?
Ông đồng Vây không trả lời. Có lẽ vì nhọc quá, còn thở. Chỉ nghe
tiếng chân lội lõm bõm.
Một con vạc bay ngang đầu, cất tiếng kêu quang quác. Những
người đang làm dưới ruộng đều biết: vạc đã đi ăn đêm về, thế là
sắp sáng rồi. Rốn thêm một đường cày vét nữa thì trời phía thị xã
cũng loãng dần và đã nghe xa xa vẳng lại tiếng xe hơi, tàu bò gầm
gừ. Những tiếng động thường lệ buổi sáng của Tây sắp đi dò
đường gỡ mìn. Không ai bảo ai, Lực và ông đồng Vây vác cày lên