Đến mùa đưa dó lên xuôi, bến Chèm tấp nập, nhộn nhịp các
chủ dó và người buôn ra ăn giá. Tiếng phách gõ cóc cách, khấp
khểnh vào ngang câu hãm của cô nhà trò quê kệch hát hẻo lánh trên
bến nước. Nhà hát đầu bến kiếm ăn có mùa, chỉ đón khách được
vào dịp lái trên ngược về. Lái dó lắm tiền, hống hách, ngỗ ngược,
đi hát cũng xô bồ. Có khi họ thuê ả đào luôn mấy phiên chợ, đêm
ngày liên miên ăn cỗ, nghe hát và chen vào đấy là những cuộc lừa
lọc, mặc cả hàng, những canh xóc đĩa sát phạt nhau đáo để.
Cái dó Phố vỏ khô, kém bột, cỏ nương cao bằng cây, mọc khắp
rừng Lục Yên, chủ dó nào cũng muốn bán tống ngay. Dó Lâm, dó
Nghĩa Lộ thì rộng vỏ hơn nhưng cũng ngắn cây, kém mã. Một tối
nhà trò hay một canh bạc thì lái gốc và các tay buôn đổi vai đã xoay
ngã giá nhanh như bèo trôi đổi hướng. Chỉ có giống dó Thao cây dài
vỏ rộng, da đẹp, nhiều ngọn thì bao giờ chủ dó cũng làm cao như
nhà có con gái đẹp đến thì. Người chen vào ganh nhau đặt giá, ở
dưới bến không xong, còn theo về tận kho trọ dó trại Hàng Hoa.
Lái Ẻn là tay trùm giống dó Thao thượng hạng, chiếm cả đất
nương dó từ Hạ Hòa ngược lên. Chỉ mình lái Ẻn có nhiều dó Thao
“đất trên”. Mỗi năm, hàng chục bè về đỗ chật bến. Lái Ẻn làm giàu
như giữa chợ bốc được của.
Chư đến Chèm vào chập tối. Trông xuống sông, thấy liên
tiếp bè dó cao như đống rơm. Dó chưa ăn giá, chưa dỡ lên bến. Có
lẽ chủ dó trên ngược chưa xuống. Hỏi dò, biết lái Ẻn chưa xuống
thật. Mới có bè xuôi trước với đám tay chân chở bè.
Bây giờ trở về cũng tiếc công. Mà cơn tức thì chưa hả. Chư đứng
tần ngần. Chợt nhìn dưới nước có ánh đèn cây tỏa sáng. Hay là
thuyền lái Ẻn mới xuống chỗ ấy, chưa ai biết? Chư phải đi dò mới