Một ngày kia, bác Niệm đưa về một chú bé trắng trẻo, mảnh
khảnh, cũng đanh người như bác. Và khuôn mặt, cả cái trán, cái mũi
thâm thấp giống bác như tạc. Ai thoạt trông cũng gọi ngay: Cu
Nam! Cu Nam!
Nam lễ phép chắp tay, ngước đôi mắt thông minh đen lay láy
chào mọi người. Cu Nam của bác Niệm thật. Mới hôm nào bác Niệm
phàn nàn cu Nam thấy bác, lỉnh đi, thế mà bác Niệm tài ghê. Chẳng
bao lâu, Nam không còn lạ với bố. Máu mủ ruột rà có khác. Không ai
hỏi, nhưng đoán cũng có thể biết kết quả mỗi ngày chủ nhật bác
Niệm thu thu mang đi một bọc. Gói kẹo, bánh bích qui, quả bóng
nhựa, quyển vở mới, cái cặp và các sách tranh truyện. Lại cả chai rượu
“vốt ca” Ba Lan bán ở bách hóa. Gói lá sen thịt vịt quay, lẫn củ kiệu
và tương Tàu hiệu cao lâu Siêu Nhiên. Các thứ ấy để biếu ông hàng
xóm tốt bụng đã nuôi cu Nam.
Những bùa bả dễ làm mê mẩn trẻ con ấy đã dần dần làm cho
cậu bé xa cách bố ngót mười năm trời, mon men lại. Chẳng mấy
lâu, hai bố con đã quấn nhau như mọi bố con nhà người ta. Bác
Niệm dắt cu Nam về cơ quan chơi mấy lần. Rồi cu Nam đến ở
hẳn với bố. Ngày ngày, cắp cặp đi học. Cu Nam đã học lên cấp hai.
Bác Niệm vẫn một việc miệt mài chăm nom bếp núc như thế.
Nhưng cái bếp của bác Niệm không còn yên ổn như trước nữa.
Xưa kia, nhà bếp tranh vách tuếch toáng giữa rừng chỉ một mình
bác. Bây giờ, cuối bữa phơi bát đũa nồi xoong sáng loáng khắp
sân. Ba người phục dịch mà vẫn cập rập tối mắt.
Một hôm, bác Niệm bảo tôi: