nheo ở cổ và sống lưng lằn vết dây phơi. Chắc lúc đến bác mới
xỏ tay vào cái áo chỉ được mặc trong dịp có việc. Riêng mái tóc đã bạc
trắng. Nhưng vì bác Niệm vẫn húi đầu cua, nên phải tinh mắt để ý
mới thấy những chân tóc lấp lánh.
Tôi vẫn nhớ mỗi khi có điều hài lòng, mặt bác Niệm lại phảng
phất nét sang sáng và miệng cười tủm tỉm. Từ nãy, thấy bác Niệm
một vẻ vui vui như thế. Ừ mà chẳng phải hỏi han nhiều, chỉ một
việc bác đến nhờ cơ quan chứng nhận cho phần lý lịch công tác của
bác để cu Nam làm hồ sơ đi học nước ngoài, cũng đủ hiểu được
niềm vui của bác to lớn thế nào.
Tôi hỏi thăm, bác Niệm cười:
- Tôi làm sở tư thôi. Thủ trưởng, nhân viên mình kiêm tất. Hôm
nào anh đến chơi.
Cái “sở tư” có thể là bác làm gia công mì sợi hay dán hộp mứt, hộp
thuốc, dán bìa cặp - công việc mà bà con hàng phố vẫn phơi bìa
phơi mì nhan nhản trên vỉa hè những buổi trưa nắng. Vả lại, một
người tháo vát và lam làm con dao pha như bác Niệm - ở trong thành
phố đông đúc thế này, biết bao nghề sinh sống dựa vào nhau -
làm gì mà chẳng ra cái ăn.
Nhưng rồi đến cả năm tôi vẫn chưa nghĩ đến xuống chơi nhà
bác Niệm. Dạo ấy, máy bay Mỹ đã bắt đầu thăm dò vào vùng trời
thành phố. Báo động, ba mươi, bốn mươi… máy bay địch đã bay
xa… Rồi máy bay Mỹ ném bom Cầu Đuống, ga Yên Viên. Các khu
vực phố có những khoảng bãi trống, ban bảo vệ đã được kế hoạch
phải cắt cử tuần đêm cẩn mật. Từ hôm địch nhảy dù đêm ở Sơn Tây