Chúng tôi ăn cơm vào ban trưa, phải chạy núp tàu bay ba lần mới
xong bữa. Ngồi ở miệng hầm trú ẩn, bác Niệm trỏ đống củi cạnh
vách:
- Tôi không có tủ két đựng tiền, phải chất tiền ngoài sân đấy.
Có thế mới nuôi được cháu Nam đi học bằng anh bằng em. Này có
khi nào anh để ý cây cối ở Hà Nội nhiều chẳng kém rừng Tuyên
Quang? Lắm chỗ còn rậm hơn trên rừng kia. Tôi vẫn sống với cây
cối, củi đuốc như ngày ở rừng.
- Bác vẫn làm cấp dưỡng?
- Không phải.
- Đi chặt củi à?
- Anh đoán gần đúng. Tôi làm chú tiều phu Thạch Sanh. Ai lại
nghĩ có nghề sơn tràng ở đất Kẻ Chợ, thế mà có đấy. Sân nhà có
cái cây mục, cây đổ hay cơ quan muốn chặt cây lấy đất làm nhà.
Gọi công ty công viên, chẳng biết có phải việc của người ta không.
Mà không dễ ai cũng biết ngả cái cây. Có nghề chứ. Anh trông một
dãy rìu, thuổng của tôi cài trong vách thì biết nghề tôi.
Nghe bác Niệm nói tôi mới dần dần nhớ ra ở Hà Nội còn lắm
nghề oái oăm hay hay. Người ta còn cần cái gì thì có nghề ấy. Bà
đưa tháng gói hoa cúng gài vào cái đinh trước cửa. Có nhà, có cơ quan
mua chè tươi tháng. Mà phố xá lắm nghề thật. Nhà nào chẳng có
con dao. Dao cùn, phải mài cho sắc lại, thế là cần ông mài dao,
ông móc cống… Người đi câu, người đánh giậm quanh chân cầu
Long Biên. Người cắt cỏ công viên, cái chợ cỏ trên bờ đê, người chặt
cành si bán cho voi vườn bách thú ăn. Người đi lấy nước vo. Bác
Niệm đi ngả cây. Những việc lặt vặt mà cần thiết quanh mình.