Bác Niệm để quyển sổ trên bàn. Bác nói thong thả:
- Tôi định bàn với anh việc này từ lâu.
- Việc gì thế ạ?
- Tôi chép lại những cái đời tôi… đời tôi…
Bác Niệm viết văn! Tôi nhận xét như thế, có ý ngầm cười cợt
phần nào, trong khi bác Niệm vẫn đăm đăm mắt, lại rành rẽ nói.
Câu nói của bác Niệm như trả lời vào thái độ vô ý của tôi đối với
điều thiết tha của bác.
- Không, tôi không biết viết để in sách, in báo như các anh đâu.
Tôi cốt viết cho bao giờ cháu Nam về cháu đọc. Cháu chẳng được
gần gũi tôi từ tấm bé. Đến lúc gặp được, bố con cũng chỉ ở với
nhau mươi năm. Rồi cháu lại đi xa. Việc nhà ra sao, những nông nỗi
đường đời của tôi, cháu nó nào biết đâu. Người già rồi chết, chẳng
thể ở mãi được với con cái, nhưng tôi nghĩ lời ghi nhớ thì để lại mãi
được. Đấy, tôi muốn như thế. Tôi nhờ anh xem hộ thế nào. Anh
giúp tôi.
Tôi lại hiểu bác Niệm cầm bút hay chẻ củi, mọi công việc đều
ngành ngọn, đến đầu đến đũa. Ở con người như bác Niệm, khi
trồng búi giềng, cây ớt hay đẩy cái củi vào giữa bếp cho lửa đượm
đều, hay mài cái rìu sắc, sắm cuộn thừng đay để ròng cho cẩn thận
cái cây ngả, đều công phu như đêm ngày lo toan về đứa con. Tôi đã
quên hẳn cái ý chế giễu thiển cận lúc nãy. Trước mặt tôi, một con
người mực thước, cả đời tự lực, tự trọng.
Không phải người ta cứ nghĩ thế nào thì viết được ra đúng thế.
Tôi nhìn ra ánh trăng thành phố. Tấm lòng bác Niệm cao xa và