Hai đứa trẻ đợi đi
Thương cho con Đán đã buồn thương đọc truyện này.
Khách sạn Cửu Long ba sao nhất thành phố ở trên đường cạnh
sông Sài Goòng chảy ngang qua giữa quang cảnh sầm uất những
phố chính. Tuy vậy, chỉ mới ba bốn giờ sáng, tiếng xe lam đã
phành phạch dưới cửa sổ. Với cái thói ít ngủ của tôi, thế thôi cũng
vừa lúc lên sân thượng làm vài động tác thể dục và xem thành phố
phương Nam thức dậy trong ánh nắng chói chang từ những vườn
dừa bên Thủ Thiêm lủa tủa đến chân trời.
Thế mà đã thấy bên cửa sổ một chú bé đứng im đấy. Thoạt
nhìn biết ngay nó lai Mỹ. Gầy quá, tròng mắt nâu nhạt, tóc hoe
hoe phờ phạc. Mặt lốm đốm tàn nhang như cái thằng “Poan Cà
rốt” trong tiểu thuyết của Gin Rơna.
Nó trạc trên mười tuổi. Mỗi khi trông thấy những đứa trẻ lai
đen lai trắng trạc tuổi ấy, bao giờ cũng khiến người ta nghĩ ngay
tới những ngày chuyển động đất nước cách đây trên mười năm,
tiếp theo công cuộc xây dựng lại thành phố, kề bên còn biết bao
sự việc, hệ lụy, tâm tư ngổn ngang đến tận bây giờ. Thoạt đầu, tôi
cũng chỉ thoáng để ý, nhưng rồi liền mấy hôm đều như thế, cứ
tinh mơ đã thấy nó đứng chỗ cửa sổ ấy, mà thông thường thì trẻ
con vào giờ giấc này chưa thể mở mắt được. Nó cứ nhìn ra mọi
hoạt động trên sông sớm. Bến đò máy sang Thủ Thiêm đã tấp nập.
Một chiếc cần cẩu cạnh mặt nước đã bắt đầu chạy lên chạy
xuống, trong khói hàn xì xoèn xoẹt ánh xanh lóe. Nhưng dường