Khách cũng thường cho nó tiền, có khi cả cái hộp quẹt vỏ nước
ngoài, một quả xoài, một quả măng cụt. Có lẽ, con mắt và suy nghĩ
của người khách đến Sài Goòng hôm nay, trông thấy thằng bé, có
thể tưởng như khám phá ra phần nào cái tò mò mỉa mai đáng giận
đáng thương lẫn lộn, bởi vì mặt mũi tóc tai nó khiến như tận mắt
nhìn cái xót xa của một thời người Mỹ làm chúa tể ở đây.
Ồ, thế thì tôi nhớ rồi.Phải, nó là thằng Bi.
- Dạ, thằng Bi, thằng Cục, thằng Hòn gì cũng vậy thôi. Cái
mắt nó xanh mắt mèo thế, chứ nào nó biết Mỹ Mẽo phương
nào. Bây giờ thấy nói là thằng bố đẻ nó mới gửi giấy xin bảo
lãnh cho nó đi, nó được vô ở đây đợi đi. Chẳng biết thật thế hay
lại mưu mẹo gì của bọn này.
Cơ quan di cư hợp pháp của Liên Hiệp Quốc có trụ sở ở thành
phố này chuyên lo liệu mọi việc hòa hợp gia đình như thế, mà mỗi
việc phải làm đều không việc nào giống nhau, biết bao khó khăn,
rắc rối. Nhưng là một bộ máy, bộ máy thì phải có kế hoạch, có
công việc nhất định. Má của Bi đã được cơ quan này mời đến. Chị
ấy được bảo cách cho viết một cái đơn, với tư cách pháp nhân của
người đã sinh ra đứa trẻ bằng lòng cho đứa trẻ đi, cam đoan không
làm điều gì cản trở việc đó. Rồi để cơ quan lo tiếp, trước nhất là
việc đưa đứa trẻ vào ở khách sạn.
Bi được quần áo mới. Bi được ăn uống giờ giấc như mọi
người khách và vì Bi mới mười ba tuổi, còn là trẻ con, nên Bi được
phát các thứ đồ chơi, cái tàu hỏa và toa tàu xinh xinh bằng bao
diêm, nối vào nhau dài như cái đòn gánh, có thể tháo rời từng toa
được, có thể lên dây cót cho tàu chạy trên đường ray vòng tròn. Đồ
chơi rắc rối hay quá, giá có đông đứa xem thì chơi cả ngày không