Đội tự vệ gác ở miếu Giời Ơi nhìn sang hôm nào cũng thấy một
lính Tây gác mặc áo vàng lốp, ngồi nguyên một chỗ bờ tường nhà
dầu Tam Đa.
Vệ quốc đoàn rút đi nơi khác rồi. Chỉ còn lại đội tự vệ các làng.
Nhưng làng nào cũng chạy loạn hết, không còn ai tiếp tế, tự vệ
phải đi kiếm ăn lấy để có sức gác. Bữa đói bữa no thất thường. Tuy
nhiên, lúc nào tụ lại chỉ toàn gẫu chuyện Tết sắp đến.
Thế rồi Ba mươi Tết đã đến.
Hôm ấy, lạ lùng chưa, nhìn sang bờ nước không thấy thằng nào
gác bên kia. Cái ống nhòm của đội trưởng Trường được mọi người
thay nhau nhòm sang nhiều lần cũng không thấy nó. Hay là
chúng nó rút lên đóng trên đường Thành rồi? Thế là đội tự vệ
quyết định về làng, ngay trong đêm nay. Việc làm quả quyết được
đội trưởng Trường đồng ý. “Phải về ăn Giao thừa ở làng mới được.
Có bao giờ Tết lại bỏ làng đi! Các cụ dưới âm về không thấy con
cháu thì các cụ chửi chết”. Thế là ai nấy đều hào hứng.
Đêm Ba mươi, cách ba bước không trông thấy gì. Tối quá.
Nhưng rất nhanh, những bàn chân đã quen thuộc từng gờ đất
sống trâu trên đường qua cánh đồng, mà bao giờ cũng vậy, mỗi khi
mùa mưa tới lại trơn như đổ mỡ. Họ vừa đi vừa nhận ra hình thù
những gò đống ngổn ngang bên đường, ai nấy đều đã thuộc; cả cái
lỗ tổ chuột đàn, từng ngách thượng, một hang chuột tí ù, mỗi năm, tới
mùa đông, vẫn đi hun, bắt chuột về đánh chén. Và, chao ôi, đến
đây kia rồi nhớ làm sao. Cũng hai bên đường đồng này, những đêm
đầm ấm trăng suông chèo đám tháng Hai, trai gái phải lòng nhau
vẫn đưa nhau ra ngồi đấy. Rồi họ đương đi qua bãi tha ma, những