Hai bên phố Dầu Tiếng hồi ấy lưa thưa nhà quanh cầu chợ
lụp xụp. Hôm nay không nhớ bốt dây thép thì không nhận ra ở chỗ
nào. Nhưng vẫn nhớ đến rợn tai, ấy là tiếng còi ủ ba giờ sáng đêm
đêm gọi phu dậy nấu cơm, đi ra lô làm. Tiếng còi điện âm u, rền rĩ
không biết từ trên thinh không hay dưới âm ty. Những phu cạo mủ
làng một, làng hai, làng ba… bật dậy quờ quạng tìm nồi thổi cơm,
nắm cơm rồi ngồi đợi hồi còi thứ hai nổi lên, đúng bốn giờ sáng
thì lủi thủi ra bãi điểm cho các thày xu vụt roi gọi số rồi đoàn người
xách dao xách thùng chạy ra lô.
Mấy buổi chợ đông, mà vẫn không thấy Điều ra. Cả cái chợ
cũng của sở mủ, nhiều cửa hàng chỉ mua bán bằng tích kê. Mỗi kỳ
lương, hãng phát vé cho phu ra đong gạo, mua tĩn nước mắm, cân cá
khô… Hay là Điều đã về Sài Goòng rồi, hay là từ dưới Xóm
Chiếu, người ta đã chia nó đi Phú Riềng, Thuận Lợi, không lên đây?
Năm sau, 1944, mùa hè sau cùng, tôi lại lên Dầu Tiếng. Mới biết
năm trước Điều còn ở đấy. Nhưng tại sao nó không ra, không biết.
Tôi đoán nó đương có một công tác bí mật gì đó.
Bởi Phượng đưa cho tôi một tập giấy khổ nhỏ về vệt mồ hôi tay
và mủ cao su. Ngoài có dòng chữ “tập thơ” với hai câu thơ, tôi nhận ra
ngay chữ nó, nét còng queo nghiêng ngả chưa bao giờ được viết tập ở
nhà trường. Tập thơ chép nhiều bài, Điều đã làm từ khi còn ở làng.
Bài cũ, bài mới, bài tả cảnh đời, cảnh phu. Thơ của nó thì chẳng ra
thơ. Nhưng Điều thích làm thơ. Có lẽ cũng bởi cái sự tôi là bạn nó,
chữ nghĩa tôi cũng lèm nhèm vậy, thế mà tôi làm văn, viết báo, thì
thằng Điều mà làm thơ, cũng lấy tên có chữ Tô, là cái sự tự nhiên
mà thôi.
Hai câu thơ chép ngoài bìa Điều đã làm từ hồi còn cùng nhau
hoạt động Ái hữu thợ dệt, nó hay ngâm nga, khiến tôi cũng phải