“Kính gởi ông Thới… Tôi có một người bạn thân kể là ngày xưa
quen ông. Bạn tôi có ý tìm ông từ khi mới giải phóng nhiều người
kháng chiến về Sài Goòng. Nhưng không biết hỏi ai. Rồi cũng lại
ngại. Tôi hiểu tâm trạng bạn tôi. Muốn biết tin ông, nhưng lại e
ngại, ngại ngùng. Chẳng thà im lặng là hơn. Thuyền đã sang sông
tách bến rồi, cây đa bến cũ còn đâu nữa. Tìm để làm gì, chỉ khổ
nhau thôi. Vì vậy im lặng cho đến ngày nay. Tôi biết là người ấy
vẫn muốn được tin ông, gia cảnh thế nào…”
Chữ ký loằng ngoằng cuối thư. Đàn bà là chúa hay vô ý. Ngày
ấy, chỉ có Vân gọi mình là Thới. “Muốn lấy vợ Nam kỳ phải kêu là
Thới. Thái, Thái nghe kỳ muốn chết”. Thì còn “người bạn thân”
nào nữa. Hay là sợ quên nhau, nhắc khéo. Ôi chao!
Ông Thái trả lời, đề thẳng phong bì: Kính gửi bà Huỳnh Thị Vân.
Rồi nhận được một thư dài, giấy xanh xanh, khổ giấy như
trước kia vẫn thư từ cho nhau. Trong thư Vân nói mừng lắm,
mừng anh vẫn nhớ chữ em. Ông Thái buồn cười vì cô ấy khéo vờ
như đánh tam cúc lại để hở bài cho người ta xem.
Rồi những lá thư qua lại, hai người kể hoàn cảnh của nhau. Bà
Vân lấy chồng người Ấn Độ, có cửa hiệu tơ lụa. Sau khi Tây thua
ở
Điện Biên Phủ, vợ chồng rời Sài Goòng, nhưng không về
Bombay, mà sang Mỹ. Bốn đứa con đều có chồng, có vợ, ở riêng
cả. Chồng bà mất đã lâu.
Bà Vân gửi ảnh bà cho ông Thái và bảo ông cho bà một cái mới
chụp. Ông Thái không thể nhận ra bà, nếu không có dòng chữ đề
tặng. Trong hình, đấy là một bà già béo tốt tóc cúp ngắn chấm
vai - mốt của các bà đứng tuổi ở châu Âu bây giờ. Ờ, mình bảy