Chuyện để quên
Năm 1946, đã ra ngót năm nước chảy qua cầu rồi. Bấy giờ tôi
làm phóng viên báo Cứu quốc hàng ngày. Có một số người trước
kia bị Pháp bắt đi đày ra đảo ngoài châu Đại Dương, nghe biết Việt
Nam độc lập bèn đòi về nước, đã được về tới Hải Phòng. Biết
đấy là những Đảng viên Quốc Dân Đảng, sau vụ bạo động Yên Bái
1930, bị án chung thân biệt xứ.
Một chiếc tàu Trung Quốc ở Thượng Hải vào Hòn Gai ăn than,
nhân tiện chở thuê những người tù hồi hương. Phóng viên nhiều
báo trên Hà Nội xuống đón người trở về. Tôi lên boong tàu, trông
thấy ở cửa giữa chỗ vào tầng hầm chứa than có mấy người tự vệ
sao vuông, giắt khẩu súng ngắn sau lưng - mốt ăn mặc của cán bộ
bây giờ. Mọi người xúm xít bước ra với hai ông cụ râu lởm chởm,
đội mũ phớt xám, thắt cà vạt đỏ, bộ đồ Tây dạ tím, trông thật khác
mắt.
Đấy là hai ông Quốc Dân Đảng và chỉ có mỗi hai ông ấy.
Một ông dắt theo một chú bé da đen, khoảng năm sáu tuổi. Chú
bé lững chững, đầu to như cái chõ, tóc xoăn tít. Tôi hỏi:
- Thưa, con đồng chí đấy ạ?
Ông lão lắc đầu.
- Đồng chí quê ở đâu ta?
Ông lão khúm núm: