Rồi bà lão Ỏn ra ngoài đìa kéo vó tôm như bao nhiêu năm, như
cả đời vẫn làm con cò con vạc đi kiếm ăn sông nước.
Thằng Ỏn đi chợ về còn ủ ê hơn. Người ngoài chợ xúm lại xem
cái thằng môi vều, mặt nhọ nồi, mắt trắng nhả không biết
chớp, hỏi: Sao mày người nước ấy đen mà lại nói tiếng ta như ta?
Hai đầu hè kê hai mẩu gạch làm bếp đun riêng nhưng chẳng
mấy khi có khói. Như điềm gở, nhà chỉ chia đôi bếp ít lâu, một
buổi sớm Ỏn nhìn xuống chõng, thấy ông lão nằm co quắp. Sờ
cánh tay ông đã lạnh như đá.
Ông lão chết từ bao giờ. Ỏn lấy mặc cho ông bộ quần áo dạ
tím, cái cà vạt đỏ, chiếc mũ phớt xám ông vẫn cất trong hòm phản.
Ít lâu sau bà lão Ỏn cũng về quê với các cụ.
Đám ma ông lão, bà lão, thằng Ỏn chít khăn ngang chống gậy,
tay bịt miệng, đi cúi khom khom. Cái cảnh thằng Tây bồ hóng
khăn xô chống gậy lạ mắt này ai cũng nhớ, còn các chuyện khác
“bên ấy” của ông lão thì người ta quên dần.
Thằng Ỏn đã ngoài hai mươi rồi. Ỏn cũng chẳng biết tên thật,
tuổi thật của nó. Khi về Ỏn dần dần biết tiếng ta, bây giờ nói
còn trệu trạo lưỡi, không ra giọng vùng này. Có người thấy Ỏn
khỏe mạnh, đã mách Ỏn: Ối nơi có người Tây đen.
Từ bao giờ, cứ thời thế đổi thay thì người lang chạ lại trôi dạt
đến đất nước này, vương vãi lại bao nhiêu người Tàu, người
Nhật, người Cao Ly và đủ thứ Tây trắng, Tây đen rạch mặt, Tây bồ
hóng, Tây đen mờ. Ngày trước ở trên phố huyện cũng có một cô
Tây đen to cao, vú bằng hai quả dừa, thế mà có một anh cũng Tây