mủng cá tép ươn của nhà chài dưới sông đem lên đầu làng lúc sẩm
tối. Con người gan liền đến thế. Chẳng được đẹp phận như
người ta, thôi thì coi như một đời đành vùi vào chiêm bao, chỉ có
một mình mình biết.
Cái lão ba Cõi tôi theo giáo Nhất về bên sông ngay hôm ấy. Hai
ông con qua đò ngang. Chiếc đò ngang xưa kia, ừ con đò ngang
ngày ấy. Có lẽ như từ bao giờ vẫn thế. Bên này ới bên kia, con đò
tai nghễnh ngãng, chểnh mảng, ẽo ợt, lững lờ sang. Năm xưa, đã có
những Giêng Hai, mưa bụi như phấn hoa ngô bay, những chuyến
đò đưa đầy người vào xem hội làng trong cánh đồng.
Còn đương bâng khuâng về những ngày nào, thì mũi đò đã đụng
bờ cát. Anh giáo Nhất vác cái xe đạp lên trước làm tròng trành con
đò ọp ẹp. Ông Cõi đứng dậy, chị nhà đò một tay bế con, một tay giơ
chiếc chèo cho ông lão níu lấy, lẩy bẩy lần lên. Rồi tôi lại vẫn
đương đi về ngày xưa. Tôi vừa lập cập, vừa xăm xăm bước. Anh
giáo “mời ông lại lên xe cho con đèo ông đỡ mỏi”, nhưng tôi bảo anh
cứ để cho tôi đi thanh thả thế này. Xóm nhà anh tôi cũng biết rồi,
chỗ khoanh tre quãng sông dưới kia chứ đâu.
Nghĩ thế thì tôi bồi hồi giật mình. Làm sao chỉ vài bước chân
mà cả đời tôi không nghĩ được ra, không tìm ra cô ấy ở đâu mà cô
ấy dường như vẫn biết tôi, vẫn nhìn thấy tôi.
Nếp nhà ba gian lợp lá mía, dứng tre trát xi măng xám nhạt.
Trước sân, hai cây mít xum xuê lá. Một vườn xoan sau nhà. Cái cổng
rong cành rào trống hỗ, con chó cũng chui lọt. Nhà tuy ngăn nắp
nhưng chẳng có của nả, cũng không cửa giả nên hồn. Tôi bỗng ngỡ
tôi đương đi về nhà tôi. Ừ giá mà ngày ấy chúng tôi lấy được
nhau thì nhà cửa, vườn tược, con cái chắc cũng tương tự đại khái