Cối, cối ơ!
Cái đau, cái vui chắp lại thành ngày tháng, ngày tháng cả đời tôi
chỉ có mưa dầm chẳng lúc nào tạnh. Giá mà ngày ấy cố theo anh
em, giá mà cứ ở quách trên ngược thành ông bủ trồng sắn… Đời
tôi cũng chỉ toàn những giá mà…
Thằng Tần với tôi không họ hàng chi trên chi dưới, đệm những
chữ “mạnh”, “trọng”, “quý” gì cả. Chỉ một trạc tuổi, ở cùng xóm. Và
mỗi năm, khi tháng Ba ngày tám con chó đói sống sót gày lõ xương
sườn, chúng tôi không phải đói như con chó mà chúng tôi đi điếu
đóm theo cụ phó Cả đi đóng cối. Quần xắn móng lợn, gánh nan,
gánh dặm… mấy vòng tre treo đầu đòn làm hiệu, chốc chốc lại
cong cổ lên hét như gáy “Cối… cối ơ…”
Bấy giờ ngoài Bắc chưa mấy nơi ăn gạo máy. Lái buôn gạo Sài
Goòng ra, mỗi thúng kém hẳn gạo chiêm ngoài này cả hào, cả đồng
mà người ta vẫn chê hạt gạo gãy Sài Goòng chỉ còn cái lõi, nước vo
trong hơn nước mắt, con lợn cũng lắc đầu. Thế cho nên nghề
cối xay cối giã vẫn còn thịnh thời. Nhưng gọi là dạy nghề đóng
cối thì cũng khí quá. Cụ phó Cả chỉ quát, chửi mà thành việc, chứ ví
đâu nhàn hạ tử tế bằng các làng nòi chèo bên kia sông, cứ khai
xuân lại ới nhau quẩy hòm đi đình đám. Chúng tôi cũng ối việc
phải làm rả rích hàng ngày, nhưng êm nhem quá. Cụ phó Cả đi đào
trộm những gốc tre đực, những cây tre chết gióc, vác về ngâm
giấu xuống ao. Cụ chẻ tre, chẻ mây, đánh đai nan, cưa tai cối, lõi
cối. Thằng Tần đẽo gộc làm dăm, làm đinh. Cái nhọn bằng
chiếc chông tre. Cây tre đực đã chắc, tre dăm cứng như đinh sắt.