gần, từ thuở bé bây giờ mới thấy. Nước chảy quanh chân đá, chỗ
thì ào ào, chỗ thì trong vắt, gặp toàn những người mặc quần áo
chàm, trẻ con sốt rét mặt xanh lướt. Có lúc nghĩ cũng ngại, nhưng
mà thôi, có người có ta…
Đến một nơi, toàn cây muỗm. Những gốc muỗm um tùm như
rừng nứa bạt ngàn. Đã lên đến Yên Châu, thế mà tưởng đương trở
lại cây đa, cây muỗm đường làng. Có lẽ cái lo ốm sốt rét làm cho
người ta nghĩ về đường xuôi. Nhưng sao bỗng dưng tàu bay ở đâu
đến lượn nhiều quá. Năm trước, tôi đã đi qua nhà máy tàu hỏa
bên Gia Lâm đổ tan tành, nghe nói bị tàu bay Mỹ ném bom Nhật,
khiếp thế. Tàu bay này tàu bay nào, của ta hay lại của thằng Mỹ?
Trưởng đoàn, anh em cứ gọi là đồng chí Hão. Tên anh ấy là
Hảo, nhưng anh hay nói chuyện trên trời dưới đất chẳng ra đâu
vào đâu nên tự dưng chẳng biết ai gọi anh là Hão rồi thành tên. Cả
đoàn họp lại trong rừng muỗm. Tiếng tàu bay ù ù xa xa.
- Các đồng chí ạ, máy bay Tây!
- Thằng Tây đã bị thằng Nhật chặt đầu hết rồi mà?
- Không phải, Tây này Tây thực dân mới. Chắc là có Việt gian đã
báo cho nó biết đoàn ta lên khởi nghĩa ở Sơn La, Lai Châu, nó mới
ngồi tàu bay đuổi theo. Ở đâu bây giờ cũng có Việt gian, ta phải
cảnh giác.
- Đồng chí Hão ơi, cảnh giác là thế nào?
Trưởng đoàn bảo mọi người đứng xếp hàng đôi rồi dõng dạc
hô: