cũng máy xay máy xát. Cái gạo Sài Goòng máy trước kia bị chê ỏng
eo gạo gãy không còn nhựa, bây giờ tàu thủy tải ra, người thị thành
ăn gạo máy đã ăn quen.
Tần đưa tiền chú tài xế lên chợ mua con gà. Cả nhà ông bủ vui
như Tết. Chú lái xe phải mẻ mệt. Nhưng cũng khoái. Ai nấy hớn
hở. Người đi chợ trèo vào xe chơi đông ních. Chú lên lái một vòng
quanh ao làng, quanh cầu chợ, một tua xa rồi mới quay về. Mỗi
người được một lượt ô tô hả hê.
Thế là tôi đã thành cán bộ muối. Rồi được biết cái chức thật
của Tần cũng chỉ là tổ trưởng mười người. Chiếc xe lên mặt
huếch giương oai với làng xóm hôm ấy đi mượn. Nhưng vẫn nghĩ,
thế cũng là thằng Tần tài thật, tốt thật.
Tôi càng phục thằng Tần. Những lúc họp, Tần đỏ găng mặt,
giơ tay: “Thưa các đồng chí… Chúng ta kiên quyết… hoàn thành
đợt thi đua…” Tần nói oang oang. Chắc ở ngoài kháng chiến Tần
đã được học nhiều lắm mới phát biểu giỏi thế. Những tổ viên
ngồi bàn trên mở sổ tay, rút bút máy ra ghi hí hoáy. Cái mặt thì vẫn
đích mặt thằng Tần ngồi đẽo dăm cối năm nào, nhưng sao mà
bây giờ Tần phát ra nghiêm nghiêm oai oai thế nào, mỗi khi tay
chống nạnh hay giơ lên băm bổ làm nhịp cho mỗi câu nói. Song
nghe nhiều lần rồi tôi nhận ra nhiều cái cũng quen mắt, quen
tai như cứ đến lúc Tần hất hàm “hứ, hứ” mấy tiếng, người
biết hiệu thế là tổ trưởng sắp nói xong, liền vỗ tay đốp đốp
bế mạc.
Từ cha sinh mẹ đẻ, tôi chưa hề để ý đến hạt muối. Công việc
mới mẻ. Nhưng tôi cũng chẳng lo, mà tôi đương có tính toán khác
đáng phải nghĩ hơn. Đã ngót nghét bốn mươi tuổi rồi, tôi vẫn trên