Xưa nay, rau cỏ chợ búa khi nào chả thế. Ấy, đấu tranh… áp
bức… đấu tranh là... Cái rau cũng đại khái như miếng thịt, như hạt
muối. Nhà nào cũng ngày ngày ăn rau, người sắp hàng rồng rắn,
đến lượt mua được bó rau muống, rau bí, mặt tươi hẳn lên. Xe tải
đưa rau về xúm xít người mua, thế mà chập tối ô tô bóp còi toe
toe, chở rau cải, su hào thối tống ra cống sông Tô Lịch, ném cho
cá hồ Tây. Người sắp hàng mua rau mà rau vẫn đổ đi, không giải
ra được cái mâu thuẫn đấu tranh thế là thế nào, thôi mặc kệ, rồi
cũng đâu vào đấy, không chủ quan thì khách quan, ngày ngày luẩn
quẩn bấn lên.
Nhưng công tác với mấy làng rau này thong thả, người ngợm
không hung tợn như ở các vùng đất kẻ bể làm muối. Họ làm ăn
gian dối hay không, cũng chẳng ai làm gì được người ta. Không
muốn hợp tác mình gương mẫu, cũng không để mang tiếng bét
huyện, bị trên chê trách, cũng chẳng bị nhòm ngó, cả làng chỉ muốn
đừng ai đến hỏi han tham quan, học tập. Các làng trồng rau này
cũng thế. Bó rau muống râu ria sũng nước cả cuống cả rễ, chiếc
cải bắp ngâm nước cho nặng cân, bó mùi già sắp nấu nước tắm
được, sớm mai ném lên ô tô tải. Chẳng nhà nào, tổ nào mách lẻo,
tố cáo ai.
Rau muống ruộng thì của hợp tác xã, rau muống ngon cây dưới
rãnh sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch thì của nhà quẩy đi chợ. Ngoài
đồng, các tổ trồng canh giới - rau dễ mọc như nghể - và các thứ
rau dởm. Người thành phố bây giờ dễ tính và mũi điếc vớ được
rau gì cũng nhai, không ngửi ra húng Láng, húng Sơn Tây, húng bạc
hà; rau muống để luộc chẳng khác rau muống chẻ; tía tô hay là cọc
giậu cũng vậy; hành hoa hành củ, lá kiệu, lá hẹ cũng rứa; ngổ ba lá,
bốn lá, năm lá; rau răm hay lá cóc nhảy như nhau.