gật gật vu vơ chẳng nhằm ai, có lúc lắc lia lịa. Nhưng chỉ cái cười ơ
hờ của Mái, người đương cáu kỉnh cũng thấy thương. Con bé câm
chỉ biết cười, làng xóm vẫn thương hại thế.
Nhưng rồi Mái không ở nhà ai nữa, mà mọi khi thì Mái chúi vào
đâu cũng được. Rước vào nhà một đứa chửa buộm, khác nào bị kẻ
thâm thù yểm bùa vào hóc cột làm hại phải vận áo xám đến mấy
đời. Nhẹ tính cũng phỉ phui như ra đường gặp gái, gặp rắn, đêm
nghe tiếng con cú, con chim lợn thảm thiết kêu trên nóc nhà phải
trở dậy đốt vía. Vả chăng, bụng Mái khệ nệ dường như muốn
nằm ổ đến nơi. Ôi chao, hai ông kia thì bận gì đến mà cứ lo
cuống lên. Cái bụng tròn tròn con so mà xệ như thế, áng chừng đẻ
con trai. Con trai đứa nào, con nhà nào, đời bây giờ rẻ người quá,
mà không sợ quả báo, ác giả ác báo, không ai biết sợ nữa rồi.
Mái không đi chặt cây, không chém lá chuối, lá dừa làm cái lớp
được. Cũng không còn nương náu quanh quẩn cổng làng, tam quan
đình. Dân quân du kích lo nhỡ đêm hôm nó “vỡ chum” ra nhà đền,
nhà chùa uế tạp nơi thờ cúng. Như những con chim sâu con con,
lúc chập tối tìm nấp vào nách chiếc lá ngái, Mái nghĩ được cách
chui vào búi tre. Giữa lúc nọ có một bụi tre điếc không gai, lưa thưa
cây nhưng rậm lá, đêm đêm Mái vào ngủ ở đấy, lâu dần nền đất
phẳng ra, Mái nhặt những chiếc mo nang đem lật ngửa nhẵn lót
những chỗ gồ ghề. Thế cũng xong cái ổ, con người cũng như con
bồ các tha rơm rác về làm tổ.
Các vị chức việc lật đật, cuống cuồng, rồi cũng chẳng làm gì
được, lại tất bật đống việc bộn bề khác trong làng. Còn cái Mái
mỗi hôm vẫn theo người ta ra đồng, xuống bến, sang chợ, ai nhỡ
thì làm đỡ một tay, có khi ngồi chực việc ngay đầu ngõ. Người ta