nhẩm lại cái giống lúa lùn hạt nhiều nhưng kém rơm rạ gieo từ
năm nào, đã sắp đến dịp tảo mộ đi thắp hương đắp mả, đánh
dấu cả những nơi chôn người chết, dường nhớ thế mới tính ra
đã mấy cái Tết bom đạn. Cũng vì tuổi tác hay đong đếm thế thôi,
chứ giá có thong thả lại đâm ra mong những con cháu, anh em
chồng con đi chưa biết bao giờ về. Làm sao mà tính được, hôm
bom bắn gầm gừ thâu đêm, hôm thì yên trời.
Rồi Mái đẻ được một đứa con trai. Cũng không ai biết cái Mái
ở
cữ khi nào, sao mà mẹ tròn con vuông như người ta được. Một
hôm, đi ngoài nghe trong bờ tre có tiếng trẻ oe oe. Người ấy, rồi
người nữa xuống bãi tạt vào xem, đến trưa về làng, ai cũng táo
tác hớn hở “Cái Mái đẻ rồi! Cái Mái đẻ con trai! Thằng bé kháu
đáo để”.
Rồi ai đặt tên cho đứa bé là thằng Gà, ai đặt, từ bao giờ. Mẹ là
Mái, tên con là thằng Gà, cứ như là tự nhiên phải thế. Ô! Nhưng
mà cái tên để nghe với nhau, và mai sau, nếu thằng bé không có
cái máu câm thì nó hiểu được chắc ông bà nào phúc đức khéo nghĩ
ra những chữ con gà con qué hiền lành như thế. Trong gốc tre
vẫn ngày tháng ấy có mái mẹ, giờ thêm thằng gà con. Mái xin đâu
được mảnh vải, ngày ngày địu con trên lưng. Có khi đi làm mướn
đến khuya mới về, trên đầu máy bay địch với cao xạ ta đấu nhau
sấm sét ầm oàng. Mái dửng dưng đi trong làn chớp xanh lè như
đèn thắp viền suốt dọc sau núi đằng xa. Đập đoạn được thửa
đất ải gieo ngô dưới bãi, mới địu con, vác vồ theo ánh bom đạn
lần về cái lều bụi tre.
Năm ấy, nhiều người đi bộ đội lâu lắm không có tin tức,
tưởng chết rồi, bỗng nhiên thấy đeo ba lô, đội mũ cứng, nách ôm
con búp bê nhựa màu hồng to gần bằng đứa trẻ con, biết mở