mắt nhắm mắt. Các anh ấy bảo miền Nam đã giải phóng rồi,
thằng Mỹ chạy trốn hết rồi. Dần dần thấy ra quả như thế,
lâu nay không nghe tiếng bom phía nào, tàu bay ngoài biển cũng
không rèn rẹt vào nữa.
Bao nhiêu năm, con trai con gái vợi cả làng đi các mặt trận, thấy
bảo vào B thấy bảo sang C. Còn ở nhà thì máy bay bắn cháy mấy
làng liền - chúng nó như con chó ngộ, muốn cắn đâu thì cắn.
Chẳng vì cái nhẽ gì. Những cánh đồng tun hút hố bom như đào
giếng. Mỗi nhà một cái hầm ngoài lũy, bờ chuôm, bờ ao, ở hầm
chữ A cũng bằng ở nhà trong xóm, lâu ngày thành quen lẫn lộn
đêm với ngày, không ngờ đùng một cái, yên ở đâu rồi đến lượt ở
đây cũng yên. Nhà nhà dọn, khuân dui mè, phá khuôn hầm, bao
nhiêu nồi niêu, các thứ nắm mớ váy áo, chĩnh nước cáy, cả những
chiếc lồng chim gáy - cái đồng hồ sống - tất tật được khuân
về xóm. Làng mạc lại phẳng lặng như ngày nào. Chỉ những khi có
cái giấy báo tử, bằng liệt sĩ, bằng Tổ quốc ghi công gửi về, ủy
ban mít tinh rồi kiệu rước đến từng nhà, lễ truy điệu đông cả làng,
đám ma đấy mà người phát biểu không buồn như đi đám ma.
Chỉ còn mỗi mẹ con nhà cái Mái vẫn ở lều ngoài bụi tre. Mái
chắc là chẳng biết đất nước đã bình yên. Mà cũng không ai nhớ
lo liệu giúp đỡ cho nhà nó cái gì. Thấy người ta rậm rịch. Mái cũng
vội vội, tất tả, khi trong xóm, khi ngoài bờ tre. Mái khuân vác đỡ
nhà người. Chẳng phải đợi ai vẫn nhờ, Mái thấy cái vác được, cái
đem được, Mái đến ngay. Vai quẩy, đầu đội, tay ve vảy, thằng Gà
nhấp nhô đầu sau vai, lại còn vỗ lưng mẹ, hét làm như cưỡi bò.
Mái vẫn tươi bưởi thế. Ai hỏi, ai đùa với thằng Gà sau lưng, mẹ
ngỡ như với mình, cười hon hón. Chẳng khác nét người lòa khi trò