bảo thế là cái máu người đàn bà mắn đẻ. Thật xót xa, lại gần, lại
lạ. Biết sao nói đây, nói ra thì buồn, nhưng quả là như thế, mới
nhìn thấy mẹ con nhà Mái lại cảm tưởng như ngày còn nhỏ được
chơi vườn Bách Thảo, đến chỗ nuôi hươu nai, con hươu mẹ nằm
trong bóng cây, những hươu con nhảy nhót, nhởn nhơ xung quanh
mẹ giữa bãi cỏ xanh rờn. Hai ba đứa trẻ dưới bờ nước lấm như
vùi, đùa chí chóe. Chúng nó đang be bờ bắt con săn sắt, con tép.
Trong lều thì đứa bò, đứa chị ẵm ru em ời ợi. Mẹ câm, các con càng
khỏe nói! Mẹ chúng nó ngồi như pho tượng bụt mọc đương chẻ tre
đan sọt. Những chiếc sọt thưa nan, công ty xuất khẩu rau quả
ngoài thành phố về đặt làm. Lâu nay làng được nghề phụ đan sọt,
làm chổi, cả trẻ em cũng kiếm miếng được.
Không biết xưa kia ra sao, bây giờ trông Mái vẫn còn đôi chút
dịu dàng. Manh áo ngắn rách tướp, hai cánh tay trần trắng trẻo.
Ở
cái tuổi đã luống của tôi, con người như thế vẫn còn ròn rã
chán, đêm hôm có ngủ nhờ, cũng sờ soạng đụng chạm được. Cái khổ
cực một đời người có mờ mờ ẩn đằng sau, bởi Mái ngước mắt,
đuôi con mắt đã rạn chân chim, nhưng ánh cười mỉm vẫn tươi. Ôi,
ngữ này thì còn đẻ nữa, chẳng phải thày tướng cũng biết, còn là
sòn sòn.
Ngay năm ấy, Mái lại đẻ nữa thật - lạy trời, không phải nó đã
đêm hôm với người cầm bút này. Nó đẻ con gái, ở cữ mới được
mười ngày thì bị ốm. Cả tháng nằm ổ, mặt bôi nghệ vàng ỏng,
bủng rứ.
Một hôm, ông Vãn đến nói với chủ tịch văn xã.
- Cái Mái không dậy được, chẳng cơm cháo gì.