- Có cách nào khác nữa không? Chứ nếu cuối cùng phải mất, ta
sẽ chôn máy. Cái kho giấy này thì đốt. Ta cũng đốt lửa lên, như
Trung đoàn Thủ đô đã đốt trận địa, trước khi ra khỏi thành phố.
Lúc nào Liêu cũng mang trong đầu những kỷ niệm mặt trận Hà
Nội. Ánh lửa cuối cùng rực trời Thủ đô. Bàn tay các chiến sĩ đốt
lửa lên, họ ra đi dưới bóng lửa đó. Bây giờ, giữa rừng Việt Bắc khiêng
máy chuyển cơ quan nhà in, Liêu cũng muốn nổi lên một đám lửa
hiên ngang.
Nhưng Dật nghĩ khác.
- Không được. Anh không đẻ không đau chứ ngần ấy giấy,
ngần ấy máy, ngần ấy của cải khuân vác được lên đến tận rừng
xanh núi đỏ này không phải ít công sức đâu. Phải nghĩ cách nào…
Dật là thợ đúc chữ. Nhưng từ khi ra khỏi thành phố, người thợ
đúc chữ ấy rời cái khuôn chì và lò đúc để đi áp tải máy và giấy. Lịch
sử cái máy in bỏ xưởng lên rừng từ ấy cũng là lịch sử cuộc trường kỳ
kháng chiến ngày một gian khổ. Mới đầu là ô tô tải. Rồi thì đường
thuyền sông Thao, sông Lô ngược Phú Thọ, ngược Tuyên Quang.
Hàng tháng ròng lênh đênh sông nước, lích kích khiêng máy lên bến
xuống thuyền. Từ Bắc Kạn lên lại những khó khăn mới. Bao nhiêu
người các làng ven đường đã góp sức vào. Hàng trăm vai thay nhau
đẩy cái bệ máy in, mỗi ngày, vất vả lắm cũng chỉ qua nổi một chặng
đồi. Vào đường đất, có thêm trâu kéo. Trâu kéo đường đất mà
cũng mòn cụt móng, phải lần lượt thay mấy con trâu mới.
Dật là những người áp tải và khiêng máy ấy. Nắng cháy, tróc
mấy lần da. Đẩy máy qua đường lầy, cái gậy chèn, tì nổi bánh chè
hai vai. Cho đến hôm nay, vẫn khiêng, vẫn chạy, lại càng ngặt nghèo