hơn. Bởi thế, Dật không thể để cho Tây lấy được máy. Dật cũng
không nỡ chôn máy, đốt giấy dễ dàng như Liêu nói được. Dật không
nghĩ nhẹ nhàng như Liêu.
Hôm nọ, Pháp mới từ đường Cao Bằng kéo xuống, Liêu đã bàn
thế rồi. Dật lắc đầu. “Có phải trên giao của cải để đốt đi ư? Nếu
thế thì, đốt xong rồi chỉ còn tính việc về, có phải không? Không
được, ta tính cách khác”. Liêu cũng tự nhận mình có hoảng hốt. Họ
bèn “nghĩ cách khác”. Hai chiếc máy “mi-néc”, một cái “công tự” đã
tháo rời, chuyền vào một lán sâu hơn. Kho giấy thì vác lên lán hai
tầng, tránh ẩm và mối. Cách ngày lại đảo vào kiểm soát một lần.
Một hôm, Cam đi tuần kho về, bảo: “Mối leo tận cột kho giấy
rồi”. Thế là ngày nào cũng phải vào miết chết những đường mối
đục cột, mà càng phá, tổ mối càng đùn, sao mối đùn nhanh khiếp
thế. Nếu bị Tây lùng, chỉ chạy rừng, bỏ kho không nom xem độ vài
ngày, mối sẽ lên ăn hết giấy. Có lúc, Dật cũng chần chừ nghĩ:
“Đến phải đốt thật. Phí quá”. Nhưng Dật vẫn bảo Liêu:
- Không được! Phải nghĩ cách gì.
Tiếng Dật mạnh mẽ, cứng cỏi, chắc chắn. Liêu không nói thêm
được nữa. Trong lúc nguy hiểm, bối rối, người bình tĩnh hơn bao
giờ cũng có sức làm cho người khác bị lây. Tuy nhiên, một sự im lặng
nặng nề lại trùm xuống. Rồi Liêu đứng dậy, lẳng lặng trở ra. Quên
Dật vẫn ngồi im. Cả người đi ra và người ngồi đấy đều đương
chưa biết nên thế nào.
Dật nghĩ: ờ, nếu chỉ có cái ba lô với túi gạo, túi muối thì luồn
rừng hàng tháng cũng được. Nhưng còn những kho giấy, kho máy!
Không có nó thì không còn nên người, ở đây hết ý nghĩa. Làm thế
nào? Nếu có được một toán người địa phương thuộc rừng như Mộc,