Làm lành với em, Phú cười: “Ừ, cả nhà ấy cứ thườn thượt thế,
chẳng thay đổi gì. Mà họ thừa mứa chứ như nhà mình thì chịu sao
được”. Hai chị em thức khâu cố một lúc nữa, quá nửa đêm mới tắt
đèn. Trong im lặng, mỗi người vẩn vơ một ý nghĩ. Giữa bóng tối, Phú
lại thấy mình không “cứng cỏi” được như lúc ngồi với em. Câu nói
của ông Hai khi tối “đem cả con cùng về” lại trở lại miên man day
dứt. Ngoài vách nứa, ánh trăng gọn ghẽ như trong chiêm bao. Phú
nhớ khi hai vợ chồng mới lấy nhau. Những ngày vui ấy đã qua
rồi. Nhưng những người buồn hay nghĩ bằng kỷ niệm. Nước mắt
Phú ứa ra. Phú thoáng nghĩ: “Hay là mình về… Cả con cũng về…”
Phú cắn môi, nước mắt nhỏ xuống chiếu, Phú trở mình, một tay
ủ
lên người con.
Xa đằng đầu phố, có tiếng mơ hồ lao xao…
Khi ấy, Thảo cũng còn trằn trọc chưa chợp mắt. Thảo chẳng
thích lối buôn hóng, chạy hàng bấp bênh không ra thế nào. Nhưng
cái mơ ước có miếng vườn, có quả đồi tăng gia thì càng ngày càng
mờ nhạt. Nhà ta đơn lưng lắm rồi. Thảo phác qua trong đầu một ít
việc: mở lò khâu (hàng trăm vạn một cái máy), làm bánh kẹo, làm
thuốc lá, làm đường, buôn chè (nghề nào cũng phải có số vốn to),
hay là làm nón, áo tơi, đan bồ? Phải, làm những cái này thì cả nhà
đều có việc. Ông cụ cứ suốt ngày vót vành, là lá thì thật khéo.
Nhưng những nghề này phải lâu mới bắt được mối. Mà vốn thì cò
con. Lấy đâu để ăn dài những lúc mới dênh dáo? Vẫn là những khó
khăn không giải đáp được, cô Thảo ạ.
Dường như đã khuya. Có tiếng rì rầm xa. Thảo đoán, như mọi
khi, sắp có đoàn dân công nửa đêm qua phố. Ngoài sân, trăng
suông lạnh ngắt. Rồi những tiếng chân lạo xạo, chệnh choạng lại
gần, như khiêng cái gì nặng. Thảo chợt nhớ câu hỏi của mẹ lúc nãy.