Đến năm Cơi tám tuổi, bố Cơi phải một trận đau mắt rồi hỏng
mắt, không còn đi cày được. Vợ lý Ao xuống cuối làng gọi một
người thợ cày về ở năm trong nhà. Biết ý người ta muốn đuổi
mình, một hôm, bố Cơi bỏ nằm cửa chuồng trâu nhà lý Ao, sờ
soạng ra ở cái quán giữa đồng. Mẹ Cơi đòi tiền công lưu niên của
chồng thì lý Ao cười khểnh: “Tao phải trả lương hưu trí cho chồng
mày à?”
Từ hôm ấy, bố Cơi chống gậy đi ăn mày. Rồi một hôm khác,
bố Cơi bỏ đi đâu, cũng chẳng nói một lời nào với mẹ Cơi.
Từ khi bố Cơi đi thì người thợ cày cuối làng đến ở hẳn nhà lý
Ao. Vẫn cái cày ấy, con trâu ấy, và cũng như bố Cơi, hôm nào bác
ta cũng ra đồng từ gà gáy, đi được mươi đường cày rồi trời mới tang
tảng. Ở nhà, mẹ Cơi băm bèo cho tới khi hai đống bèo đùn lên ngập
lưng cột, người vẫn còn ngồi băm. Cơi thì rúc đầu xuống rút rơm.
Cây rơm cao bằng mái đình, mỗi lần rút, Cơi phải giơ cái cẳng chân
nhái bén lên đẩy ra, mới kéo được một nắm.
Công việc hàng ngày của kẻ ăn người làm trong nhà quần quật
như thế, không có gì thay đổi. Như khi bố Cơi còn ở nhà. Và mỗi
buổi chiều, ông lý Ao vẫn ngồi uống rượu giữa sân.
Nhưng mẹ Cơi thì càng ngày càng lặng lặng, suốt ngày không
thốt một lời, như người bệnh câm, không còn biết nói nữa. Hai mẹ
con, đêm nằm cái chõng đầu chuồng trâu. Nhà chủ để người nằm
đấy cũng là phòng trộm vào dắt trâu. Xưa nay, khi còn bố Cơi ở thì
cả nhà Cơi cũng vẫn ngủ đấy. Bố Cơi đi rồi cũng vẫn ngủ đấy. Gà
gáy canh hai, ai nấy nhỏm dậy, mắt nhắm mắt mở, mỗi người
chạy một ngả việc, không ai kịp nói với ai nửa câu. Mẹ Cơi mở dõi
cổng trâu dọn chuồng. Cứt trâu bốc hơi, nồng chảy nước mũi, nước