dẫu rằng cô đã hoàn trả lại, nhưng anh cũng đã làm trọn với lòng mình.
Việc đó là ban ơn mà đâu có mất gì.
Bất kể quan hệ giữa hai người có lấn bấn hay tế nhị thế nào đi chăng
nữa, thì họ vẫn làm bạn với nhau một cách thành thật. Họ thậm chí bắt đầu
nói chuyện. Những câu nói ngây ngô, chưa từng trải của Trường An luôn
khiến Thế Phương bật cười, và nói: “Em thú vị thật!” Trường An dần dần
cũng phát hiện ra bản thân mình hóa ra cũng là người rất “thú vị”. Cứ như
vậy, sự tình sẽ còn đi đến đâu nữa, ngay cả bản thân Thế Phương cũng còn
thấy kinh ngạc.
Thế rồi chuyện phong thanh vẫn truyền đến tai Thất Xảo. Thất Xảo giấu
Trường An, dặn Trường Bạch gửi thiệp mời Đồng Thế Phương tới dùng
bữa cơm nhạt. Thế Phương đoán nhà họ Khương định cảnh cáo anh một
câu, không cho anh và tiểu thư nhà họ được phép “dẫu lìa ngó ý còn vương
tơ lòng”, song trong căn phòng ăn cao rộng âm u, anh và Trường Bạch ngồi
uống hai vò rượu, nói chuyện một hồi, hết chuyện thời tiết, thế sự, lại bàn
đến vùng đất con người, nhưng không có bất kỳ một từ nào dính dáng đến
Trường An. Đồ nhắm được dọn đi, đột nhiên Trường Bạch chống tay lên
bàn đứng dậy. Thế Phương quay đầu lại thì thấy ở phía cửa, một lão bà vóc
người thấp nhỏ đang đứng ngược sáng, mặt nom không rõ, vận một chiếc
xường xám lụa màu xanh ghi thêu hình rồng cuộn tròn, hai tay bưng chiếc
túi nước nóng màu đỏ rực, dìu hai bên là hai cô người hầu cao lớn. Ngoài
cửa ánh chiều đã vàng vọt, trên cầu thang trải một lớp thảm vải sơn ca rô
màu lục, từng bậc từng bậc đi lên, dẫn vào nơi không còn ánh sáng. Thế
Phương linh cảm theo trực giác đó là một người điên, chẳng hiểu vì sao,
anh thấy sởn gai ốc, Trường Bạch giới thiệu: “Đây chính là mẹ tôi.”
Thế Phương đẩy ghế đứng dậy, khom lưng cúi chào. Thất Xảo đặt tay
mình lên cánh tay của bà người ở, chậm rãi bước vào, sau khi khách sáo vài
câu, liền ngồi xuống mời rượu tiếp cơm. Trường Bạch nói: “Trường An đâu
hả mẹ? Khách đến mà cũng không ra giúp anh đón tiếp.” Thất Xảo nói: “Nó
hút hai ống nữa rồi xuống thôi.” Thế Phương sững người, tròn mắt nhìn bà
già. Thất Xảo vội giải thích nói: “Cái con bé này, khổ nỗi khi sinh ra đã