Hải. Sức khỏe dồi dào, mọi sự như ý. Trước mắt. Con bảo. Đến tháng 10.
Sẽ về quê. Thiên Cát. Nhờ con mang một ít thuốc Tam Nhật Đầu theo.
Mong con. Nhận được thư. Không làm lỡ việc. Dưới quê. Dạo này rất yên
bình. Mong con chớ lo lắng. Vả việc mẹ nhờ con. Cầm một chiếc áo sợi
nhung mang về. Con đừng quên. Nếu không về được. Phải gửi ngay cho
người nào tiện đường. Chớ để lỡ hẹn! Lời trong thư lạnh lùng. Gặp mặt nói
sau vậy!
Ngày 14 tháng 9
Mẹ Vương Ngọc Trân
Thư gửi từ quê lên chưa bao giờ nhắc đến người đàn ông của cô, A Xíu
thường bảo bé Thuận viết thư gửi về, thư từ đầu kia cũng chẳng bao giờ đả
động đến cậu bé. Đọc thư xong, A Xíu và chồng đều có cảm giác hẫng hụt.
Người đàn ông ngồi lặng lẽ, rồi đột ngột nói về công việc của mình như thể
tự biện hộ: “Ngoài cắt may ra, giờ anh còn buôn bán vài thứ đồ da. Thời
buổi hiện nay, không nhạy bén một chút không được.” Gã mở tay nải, rũ ra
hai chiếc áo da cho cô xem, rồi lại lôi một tấm lót da ra nói: “Cho nên loại
da rái cá này...” Gã bắt đầu kể về tập tính của loài rái cá, vốn là kể cho bé
Thuận nghe. Nhưng bé Thuận nũng nịu, chẳng biết rời khỏi bàn học từ lúc
nào, ra ngả vào lòng A Xíu, một tay cậu bé còn lần tìm túi áo của mẹ, cười
nói ríu rít, cứ quấn quít mãi. A Xíu thì chăm chú lắng nghe chồng nói, nghe
đến say sưa, chốc chốc lại: “Ồ... ừ... à...” Người đàn ông kết luận: “Vậy nên
những thứ dưới biển đều kỳ quái thật!” A Xíu nhất thời không biết phải đáp
lại thế nào cho thỏa đáng, ngẫm một lúc, cô nói: “Giờ ở chợ cũng bán nhiều
bạch tuộc lắm!” Người đàn ông nói: “Ừ! Cái loài bạch tuộc cũng rất là lạ,
em còn chưa thấy con to đâu, nó to hơn cả người mình ấy, thân nó tua tủa
đầy những vòi, trông như con nhện...” A Xíu nhăn mặt nói: “Thật thế ạ!
Thế thì trông chết khiếp nhỉ!” Đoạn nói với bé Thuận: “Nói vớ va vớ vẩn
cái gì... Sao! Không nghe rõ! ...Dở hơi à! Đâu ra năm đồng cho mày!” Tuy
vậy cô vẫn móc ngay tiền đưa cho con.