nói chuyện với họ không, và buổi họp một phút sẽ diễn ra ngay sau đó và tại đúng vị
trí đó. Trên thực tế, toàn bộ công ty luôn được điều hành bởi chính những kiểu họp có
một phút như thế. Lúc nào nhân viên cũng có thể gặp gỡ nhau và buổi họp một phút
lại diễn ra. Nhân viên của tôi đã làm việc theo phương thức phản ứng bị động. Mặc dù
tôi đã thành công trong việc điều hành các công ty con phát triển ít nhất 100% trong
vòng 12 tới 15 tháng, nhưng tình hình này lại nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi và bản
thân tôi lúc nào cũng phải làm việc theo kiểu phản ứng lại. Thậm chí trong kỳ nghỉ tại
Hawaii, mỗi ngày tôi nhận được tới 15 bức fax (loại hình liên lạc phổ biến trước khi có
e-mail).
Trái lại, khi muốn có một cuộc gặp với Charlie Munger, tôi phải gọi điện cho thư ký
của ông và lên lịch hẹn. Tôi phải tuân theo lịch trình làm việc hết sức nghiêm ngặt.
Tôi phải luôn đúng giờ và làm việc khoa học. Tất cả các buổi họp đều cực kỳ hiệu
quả và luôn đạt được mục tiêu đề ra. Rồi tôi chợt hiểu ra rằng mình cần phải kiểm
soát thời gian của bản thân và quản lý nhân viên. Cuối cùng, sau một vài năm làm
việc 12 tiếng một ngày, không nghỉ cuối tuần, tôi nhận thấy để điều hành và quản lý
công ty thành công hơn, tôi phải làm việc theo cách khoa học hơn và giảm phương
thức phản ứng bị động. Tôi quyết định thảo ra một bản ghi nhớ để chấm dứt hoàn
toàn phong cách quản lý “có – một – phút” của mình:
Người nhận: Toàn thể nhân viên công ty
Người gửi: Chet
Đừng đến gõ cửa phòng tôi và hỏi liệu tôi có thể dành một phút nói chuyện hay
không. Câu trả lời sẽ là không. Trừ trường hợp khẩn cấp, còn lại mọi suy nghĩ, ý
tưởng, các vấn đề, và sự vụ (không khẩn cấp) sẽ phải chờ tới cuộc họp giao ban hàng
tuần. Dưới đây là quy định về cuộc họp và thời gian tổ chức. Ngoài ra, tôi sẽ dành ra
hai lần mỗi ngày để thực hiện những buổi họp “một – phút” như thế. Nếu các bạn
không thể đợi được tới cuộc họp hàng tuần, hãy viết tên mình lên bảng hẹn và tôi sẽ
dành ra 10 phút họp nhanh.