– Ở đây, ta cần phải phân biệt hai phương diện: Lao động sáng tạo và hiệu
quả của nó. Dĩ nhiên tôi mong những điều tôi muốn truyền đạt cũng được
thể hiện qua màn ảnh của phim và truyền hình. Song thực tiễn sáng tác, tôi
ít nghĩ đến điều đó, tôi làm việc trước hết với chữ nghĩa và tìm cách biểu
đạt những ý tưởng của mình qua ngôn từ. Việc đưa tác phẩm văn học lên
màn ảnh để tăng cường hiệu quả là giai đoạn diễn ra sau đó. Quả thật tôi
cũng quan tâm đến công việc này, song sở trường thực sự của tôi là viết
sách; phim đối với tôi mang nghĩa là những sản phẩm phụ nhiều hơn.
* Ở khu vực tiếng Đức (CHDC Đức, CHLB Đức, Áo, Thụy Sĩ), tác phẩm
của ông được xuất bản trước tiên tại CHDC Đức, mãi sau đó chúng mới
được ra mắt bạn đọc tại CHLB Đức theo giấy phép in lại của CHDC Đức.
Ông giải thích điều đó như thế nào?
– Sở dĩ như vậy là vì sau khi chấm dứt thời đại thực dân chúng tôi có một
mối bang giao chính trị với Liên Xô, với toàn bộ các nước XHCN khởi đầu
thông qua tổng thống Nasser. Như vậy có lẽ cũng dễ hiểu, vì sao tác phẩm
của tôi ở khu vực chính trị và địa lý này được quan tâm nhiều hơn ở những
nơi khác. Như người ta nói với tôi, chính nhờ có sự giới thiệu của một nhà
xuất bản CHDC Đức điều tôi không hề biết, mà tôi lọt vào danh sách
những nhà văn được xét trao Giải thưởng Nobel 1988. Và tới tận bây giờ
tôi không thể tin nổi, cuối cùng chính tôi là người được xét. Tôi không bao
giờ nghĩ đến điều đó. Tôi cũng không xứng đáng được giải thưởng ấy.
* Vậy ở Ai Cập, còn ai có thể xứng đáng với Giải Nobel hơn là chính ông?
– Trước hết tôi muốn nhắc đến tên tuổi của Yehia Hakki, một nhà văn
nguyên là nhà ngoại giao, năm nay 89 tuổi, người được tôi coi là một trong
những tấm gương. Ngoài một loạt truyện ngắn, cuốn Những cây bạch lạp
của Um Hashim của ông có một ý nghĩa rất quan trọng. Trong tác phẩm đó,
ông khắc họa được mối xung đột giữa di sản truyền thống và những kiến
thức khoa học tự nhiên và cuối cùng là sự hòa hợp giữa chúng.