Ở Berlin, Heine đã nhanh chóng tìm đến các “salon” văn học mà phần lớn
số đó là do các quý bà, quý cô Do Thái chủ trì. Heine có qua lại thường
xuyên trước hết với “salon” của Rahel Varnhagen, tại đó chàng đã được
làm quen với những nhà tư tưởng lớn như Alexander von Humboldt,
Friedrich Schleiermacher, Adelbert von Chamssio và Mendelssohn.
Nhờ sự giúp đỡ của Varnhagen, Heine đã xuất bản tập thơ đầu tiên của
mình năm 1822. Tuy vậy ngay cả ở đây, cuối cùng Heine cũng đau đớn
nhận ra tình thế ngoài cuộc của mình, và rằng những cố gắng để tìm được
một chỗ đứng vững chắc trong nghề nghiệp và xã hội của mình đã không
thu được thành công như mong đợi.
Vì lẽ đó ông đã quay trở về Goettingen, một chốn tỉnh lẻ, ít được yêu thích,
hoàn thành luận án tiến sĩ của mình tại đó và quyết định theo đạo Cơ đốc.
Thế nhưng lễ rửa tội, việc thụ giáo của ông lại được Heine giữ bí mật. Phía
sau những sự kiện này ít chứa đựng một đức tin tôn giáo hơn là mong
muốn về một sự hòa đồng, bởi vì đối với chàng trai 27 tuổi khi ấy những
câu hỏi về tương lai, về sự tồn tại của nghiệp văn đã được đặt ra cấp thiết
hơn lúc nào hết.
Từ Harry Heine đã trở thành Heinrich Heine. Nhưng chẳng bao lâu ông đã
rất ân hận vì bước đi này của mình, khi nhận ra rằng việc thụ giáo không
mặc nhiên đem lại cho mình sự hòa đồng mong ước vào xã hội đương thời.
“Giờ đây tôi bị ghét bỏ, cả ở trong giới Thiên chúa, cả ở trong giới Do
Thái”, ông đã viết như vậy cho một người bạn.
Heine là một trong những người đầu tiên ở Đức đã thành công trong việc
chiếm lĩnh thị trường sách ở nước này. Sự thành công ấy có liên quan mật
thiết với ông chủ xuất bản Julius Campe, người mà Heine đã làm quen ở
Hamburg năm 1826 - một quan hệ với nhiều thăng trầm cho tới lúc Heine
mất. Vậy là ngay năm 1826 tập thơ đầu tiên Những bức tranh du ngoạn của
Heine được ra đời tại Nhà xuất bản Holfmann & Campe. Cuốn sách này,