Sự đa dạng của thế giới hiện đại được thể hiện dưới những góc độ khác
nhau trong những thiên khác nhau của Tấn trò đời (La Comédie humaine).
Balzac đã từng viết: “Chẳng có cái gì là nguyên khối trong thế giới này, ở
đấy tất cả là một bức tranh khảm”. Thế nhưng qua bức tranh khảm đó có
những sợi chỉ xuyên suốt của những nhân vật tái xuất hiện. Chẳng hạn
Rastignac, (một trong những nhân vật nổi tiếng của Balzac, kẻ đã trở thành
sự hiện thân cho chủ nghĩa hãnh tiến giống như Don Juan hiện thân cho sự
quyến rũ, hay như Faust, hình ảnh của sự ham mê hiểu biết) nhân vật này
đã xuất hiện trong Cô con gái của Eva (Une fille d’Eve), rồi trong Lão
Goriot (Le père Goriot), rồi trong Ngôi nhà Nucingen (La maison
Nucingen) và cả trong Những huy hoàng và khốn khổ của kiếp kỹ
nữ (Splendeurs et Misères des courtisanes). Thế giới của Balzac là một thế
giới bùng nổ bởi sự khác biệt của các giai tầng xã hội, việc phân công lao
động, sự tiến bộ kỹ thuật – và được tập hợp lại bởi sự trở lại của các nhân
vật.
Balzac đã 30 tuổi khi bắt tay vào viết Tấn trò đời. Sau khi tác phẩm được
xuất bản – trong vòng 20 năm trời, khoảng 80 cuốn sách mà phần lớn là
những tuyệt tác – ông qua đời khi 51 tuổi, kiệt quệ đến tận cùng. Ông đã có
thời gian để thực hiện giấc mơ của mình với việc lấy bá tước phu nhân
Hanska, một người Ba Lan có phần mãnh liệt mà ông đã thư qua từ lại suốt
18 năm trời. Và với việc tạo ra mọi cảnh đời trong thế giới hư cấu ông đã
nhân đôi thế giới thực tại lên.
Đấy là một con người lao động tuyệt vời, một tiều phu, một tên tù khổ sai
của chữ nghĩa. Ông ngồi đấy, trong bộ đồ ngủ, cốc cà phê để trước mặt, vào
giữa đêm đen, tại chiếc bàn, và cung cấp một trong những hình ảnh mãnh
liệt nhất về cái huyền thoại khổ sở và huy hoàng của văn chương. Bên cạnh
Homère và Milton bị mù lòa, cạnh một Corneille tủi nhục trước vinh quang
của Racine, ông nằm trong số những con người khốn khổ và vinh quang
của sáng tạo văn học.