phòng, tôi đã thanh toán tiền nong từ hôm kia rồi. Nghĩa là tôi chỉ còn một
cơ hội đến chơi rulet, nếu tôi thắng một khoản nào đó thì tôi có thể chơi
tiếp, nếu thua, tôi lại quay về số kiếp nô bộc, trong trường hợp nếu không
tìm được một người Nga nào muốn thuê gia sư. Mải nghĩ thế, tôi cứ đi
theo đường quen băng qua công viên và rừng cây, rồi lạc sang đất khác.
Đôi khi tôi cứ lang thang như thế ba bốn giờ liền rồi mới về Homburg,
người mệt rũ, bụng đói lả. Tôi vừa bước từ rừng cây ra công viên thì bỗng
thấy ngài Astley ngồi trên ghế băng. Ông nhìn thây tôi trước và cất tiếng
gọi. Tôi ngồi xuống cạnh. Tôi cảm thấy có điều gì quan trọng, bèn tỏ ra
nghiêm trang hơn, nếu không thì tôi đã mừng rú lên rồi.
“Thế là anh đã ở đây rồi. Tôi biết chắc là sẽ gặp anh.” Ông nói. “Cứ
bình tĩnh mà kể. Tôi biết, tôi biết hết rồi. Toàn bộ cuộc sống của anh trong
một năm tám tháng vừa qua tôi còn lạ gì.”
“Chà! Xem ra ông theo dõi bạn bè cũng kỹ đấy!” Tôi đáp. “Ông không
quên ai, thật đáng quý quá… Nhưng mà này, ông làm tôi phải suy nghĩ, có
phải chính ông cứu tôi ra khỏi trại giam ở Ruletenburg vì tôi nợ tiền đến
hai trăm gulden không? Người nào cứu tôi, tôi không biết tên.”
“Ồ không, không phải tôi, nhưng tôi biết anh đi tù vì món nợ hai trăm
gulden ấy.”
“Như thế nghĩa là ông biết ai đã cứu tôi.”
“Ô không, tôi không thể nói là tôi biết ai cứu anh.”
“Kỳ thật. Người Nga ở đây thì không ai biết tôi, mà nếu có thì họ cũng
không cứu, không như ở bên Nga, người chính thống giáo cứu người
chính thống giáo. Tôi nghĩ, có lẽ là một người Anh kỳ cục nào đó.”
Ông nghe có vẻ ngạc nhiên. Hình như ông nghĩ tôi u sầu, rầu rĩ lắm
lắm. Ông nói với vẻ khá là không thích:
“Tuy nhiên tôi rất vui thấy anh vẫn hoàn toàn giữ được tính độc lập tinh
thần, thậm chí còn vui vẻ nữa.”