trong suốt bốn ngày này tôi chỉ chú mục vào các con bạc. Số người đặt
tiền có tới mấy trăm. Thật tình mà nói, biết chơi thì chỉ có vài người thôi.
Tất cả đều thua cháy túi vì không biết chơi. Hai người thắng là một bà
người Pháp và một huân tước người Anh, họ chơi giỏi, không hề thua,
ngược lại, nhà cái suýt vỡ trận. Tôi nói điều này, xin đừng bảo rằng vì vui
sướng mà tôi quá lời, tôi không bị thua vì tôi biết mánh lới để không thua,
mà lại thắng cuộc. Mánh lới ấy tôi biết, thật là dễ hiểu và đơn giản, đó là
biết tự kiềm chế một phút, dù ở bất kỳ thời điểm nào của cuộc chơi, không
được nóng vội. Vấn đề chỉ có thế…”
“Lý thuyết” chơi rulet của tác giả trong bức thư trích dẫn trên đây trùng
hợp với lý thuyết của nhân vật Aleksei Ivanovich, đặc biệt là trong chương
cuối. Bà A.G. Dostoievskaia nhớ lại rằng trong quá trình viết tác phẩm,
khi bàn đến số phận của các nhân vật, thì “Fiodor Mikhailovich hoàn toàn
đứng về phía “con bạc” và nói rằng có nhiều tình cảm và ấn tượng của
anh ta là chính ông đã trải nghiệm. Ông khẳng định rằng ông có thể có
được cá tính mạnh, chứng minh được cá tính bằng chính cuộc đời mình,
nhưng ông lại không có sức mạnh để chiến thắng đam mê chơi trò rulet”.
Hình tượng “con bạc” của Dostoievski có lịch sử văn học lâu đời.
Trong văn học thế giới, danh sách những tác phẩm khai thác chủ đề này có
thể kể ra không bao giờ hết. Chính Dostoievski đã nói đến mối quan hệ
giữa tác phẩm của ông với các tác phẩm của Pushkin. Ngoài Những bi
kịch nhỏ phải kể đến Con đầm Pích. Giữa Con đầm Pích với Con bạc có
những chi tiết gần nhau. Tuy nhiên Germann của Pushkin chỉ có một say
mê duy nhất là làm giàu để có quyền lực đối với mọi người. Còn Aleksei
Ivanovich thì vừa thắng được hai trăm ngàn đã lập tức tiêu hết.
Dostoievski coi đó là biểu hiện của nét tính cách Nga thuần túy.
Khi xây dựng hình tượng Aleksei Ivanovich, Dostoievski cho thấy đã
có những mối liên hệ với hình tượng “Dubrovski” của Pushkin. Troekurov
gọi Dubrovski là “gia sư” với hàm ý miệt thị. Aleksei Ivanovich cũng tự
gọi mình là “gia sư”, một cách tự ti trong những trường hợp muốn nhân