“Tôi có đủ chỗ cho bảy người mỗi chuyến”, hắn hô lên khi chiếc thuyền
ghé lại gần.
Vị sĩ quan chỉ huy chúng tôi đáp: “Anh can đảm lắm! … Bảy cậu gần
thuyền nhất, lên đi!”
Chúng tôi lội ùa ra tới bên thuyền hắn. Tôi mệt đến nỗi không leo lên
được cạnh thuyền, nhưng hắn nắm lấy gáy áo tôi mà lôi lên, miệng nói:
“Ráng lên nào, anh bạn”, rồi người kế tiếp leo lên.
Thế là tôi lên được. Chà, hắn mới khoẻ làm sao chứ. Rồi hắn kéo buồm
lên, một cánh buồm lỗ chỗ đạn súng máy giống như chiếc sàng sảy lúa, và
hắn hô ta: “Ngồi cả xuống lòng thuyền, mấy chú, phòng trường hợp dọc
đường có gặp thêm đồng đội của mấy chú chăng”, và rồi chúng tôi rời khỏi
bờ, hắn ngồi đằng sau lái, răng cắn chặt sợi dây thừng, chiếc tay khoèo hình
móng chim nắm giữ một sợi khác, tay phải bẻ lái và rồi con thuyền lướt
sóng ra khơi, chạy len lỏi giữa những viên đạn làm tung toé nước, từ một ổ
súng đặt ở một nơi nào đó trong bờ biển bắn ra. Và cánh ngỗng lực lưỡng
lượn đi lượn lại, kêu quàng quạc át cả tiếng gió và tiếng huyên náo mà quân
Đức đang tạo nên, giống như ngày đại hội khiêu vũ hoá trang trên đường
phố thành Winchester.
Tôi đã bảo anh rằng con ngỗng kia là điềm lành mà”, tôi nói với thằng
Jock.
“Nhìn hắn mà xem, hắn là ông Thiện tới cứu mình mà”.
Hắn ngồi ở chỗ tay lái, ngước nhìn lên cánh ngỗng, răng cắn chặt sợi dây
thừng, và mỉm cười với con ngỗng như đã từng quen biết nó từ lâu.
Hắn đem chúng tôi ra tới tàu Kentish Maid rồi lại quay thuyền đi chở
chuyến khác. Suốt buổi chiều và luôn cả đêm hôm đó nữa hắn chở được rất
nhiều chuyến, vì cả vùng trời Dukirk cháy sáng rực nên có thể nhìn thấy rõ
như ban ngày. Tôi không rõ hắn đi được bao nhiêu chuyến, nhưng hắn và
chiếc du thuyền có gắn máy hảo hạng của hội bơi thuyền Thames Yacht
Club và một chiếc tàu cấp cứu khác từ bến Poole tới đã hè vào chở hết bọn
tôi, không sót một tên nào, ra khỏi cái dải đất đặc biệt của vùng hoả ngục
ấy.