Tàu nhổ neo khi người cuối cùng trong bọn tôi đã lên, có tới trên bảy
trăm mạng nhét trên con tàu được đóng để chở chừng hai trăm người. Hắn
hãy còn ở lại đó khi chúng tôi khởi hành, hắn vẫy tay từ giã chúng tôi và lại
quay mũi theo hướng Dunkerque, con ngỗng vẫn bám sát theo hắn. Trông
thật ngộ nghĩnh, cánh chim lực lưỡng bay quanh chiếc du thuyền của hắn,
cánh chim loé ngời lửa đạn, tựa như một vị thiên thần trong trắng bay lượn
giữa đám khói lửa mịt mờ.
Một chiếc Stuka dọc đường lại tấn công chúng tôi thêm một lần nữa,
nhưng anh chàng phi công ý hẳn đã thiếu ngủ từ nhiều đêm trước nên oanh
kích hụt đích. Tảng sáng chúng tôi về đến nước nhà bình an vô sự.
Sau đó tôi không biết số phận hắn ra sao, hoặc hắn là ai – cái anh chàng
gù lưng với chiếc thuyền buồm bé nhỏ của hắn. Anh chàng đó thật là can
đảm và tốt bụng lạ thường”.
“Chà”, người lính pháo thủ nói, “một cánh chim lực lưỡng và hung hung
đỏ, có ai biết không nào?”
Một vị sĩ quan hải quân trừ bị, trong bốn ngày cuối cùng của cuộc triệt
thoái, đã bị thiệt hại mất hai chiếc tàu kéo lưới Brixham và một chiếc tàu rà
mìn Yarmouth được đặt dưới quyền chỉ huy của ông, lên tiếng hỏi: “Bác có
nghe nói gì tới huyền thoại khó mà tin được về một con ngỗng hoang
không nhỉ? Nó hết bay lên rồi lại bay xuống dọc theo bãi biển. Mà bác
cũng thừa biết loại chuyện đó thường xảy ra như thế nào rồi. Có một số
binh sĩ tôi chở từ Dunkerque về bàn tán mãi chuyện đó. Con ngỗng xuất
hiện trong những ngày cuối cùng từng chập một giữa khoảng Dunkerque và
Lapanne. Ai mà may mắn được nhìn thấy con ngỗng là kể như sau đó thế
nào cũng được cứu thoát. Bác thừa biết, cái lối nửa hư nửa thực ấy mà…”
“Hè…ừ…ừm”, trung tá Brill Oudener nói, “một con ngỗng hoang à.
Theo tôi thấy thì nó đã được dạy cho thuần thục rồi. Một thứ chi tiết vô
cùng kỳ lạ. Bi đát nữa, hiểu theo một cách khác. Và thật may cho chúng tôi.
Để tôi kể cho bác nghe. Đó là chuyến thứ ba trên đường về. Vào khoảng
sáu giờ chiều chúng tôi nhìn thấy một chiếc thuyền nhỏ trôi giạt, trên