và nàng là khoảng cách của hai vật thể tự do, vừa đối nghịch, vừa bao trùm.
Cả tôi và nàng đều cùng tranh đấu tìm cách giải thoát sự bao trùm đó,
hướng tới tự do. Khi tự do là lúc nàng mất tôi và tôi mất nàng. Ðể có nàng,
tôi buộc phi sống kiếp sống của kẻ khổ sai lưu đày, tôi buộc phải vắt kiệt tôi
cho đến chết. Tâm hồn nàng ăn uống thứ thức ăn thật man rợ: Ðấy là từng
miếng sống tươi rói của cuộc đời tôi. Tôi hình dung nàng xé xác tôi bằng
bàn tay thon nhỏ, móng sắc. Nàng nhai từng miếng thịt và thè đầu lưỡi nhọn
hoắt liếm những giọt máu ứa ra.
Những ý nghĩ trên không phải đến ngay với tôi khi ấy, khi tôi đói khát
lang thang trên đường mà mãi sau này tôi mới hiểu ra. Thời tôi đang kể là
thời tôi còn mụ mị, đầy những thành kiến ngộ nhận. Tôi là một thanh niên
nông dân ngu độn, trong lòng đầy những tình cảm thương người vụn vặt,
vừa duy tâm, vừa siêu hình, lại tầm thường nữa. Tôi chưa biết khinh rẻ bản
thân, cũng chưa biết khinh rẻ học vấn. Tôi chưa biết cách thương mình.
Những vấn vương của tôi về mái nhà, về tình cảm xóm làng bao bọc dưới
những sắc màu lãng mạn huyền thoại cũng là một thứ văn hoá thấp kém, có
sức trì kéo. Tôi chưa giác ngộ về lẽ tồn tại cá nhân, cũng như của cả bầy
người.
Cuối tháng bảy, tôi nhận đóng gạch cho một bà cụ người Sơn Tây. Bà cụ
80 tuổi, có người con trai đi bộ đội đóng quân ở Cămpuchia. Bà cụ có
người con gái năm nay 42 tuổi, lấy chồng ở tận làng xa, tên là Thời, thỉnh
thoảng mới về thăm mẹ được một buổi chiều, sấp ngửa dọn dẹp chốc lát rồi
lại ra đi. Bà cụ ở một mình giữa khu vườn hoang rộng hơn sào đất. Ngôi
nhà lợp rạ, vách trát đứng, giỏi lắm trụ được qua hai mùa mưa là đổ. Người
con trai làm đại đội trưởng công binh, tên là Thế, chưa có vợ. Bà cụ cho tôi
xem những bức thư anh viết ở Công Pông Xom, chữ rất thoáng, lời lẽ rõ
ràng là của người con có hiếu:
"U ơi, xin U nương nhẹ thân mình, dù chỉ để cho con đỡ khổ. Con xin
hứa sang năm con sẽ về phép, con sẽ làm nhà, lấy vợ. U cứ giấm cho con