những điều tôi vẫn được nghe khi tôi còn ở quê nhà, khi tôi đi học hoặc đi
kiếm sống ngoài đời.
Cô Phượng bảo tôi: "Khi ngủ với anh, những người phụ nữ khác có kêu
lên không?". Tôi bảo: "Có đôi người". Cô Phượng cười : "Những tiếng kêu
ấy chính là ngôn ngữ nguyên thủy, tinh khiết. Nó trong sáng hơn mọi thứ
tiếng ru, thơ phú và nhạc nhã. Tôi luôn cảm thấy những tiếng kêu ấy tựa
như tiếng kêu của người tiền sử trong hang động...". Tôi ngẫm nghĩ, tôi thấy
có lý nhưng tôi không kêu.
Tôi kể cho cô Phượng và những bạn gái của cô nghe về quang cảnh làng
tôi bên sông. Nhà tôi nghèo, trông ra làng nước cũng nghèo. Mùa lũ về, tôi
hay bơi ra bãi Nổi trên sông vớt củi. Dòng sông đỏ quạnh phù sa. Những
cành củi trôi phăng phăng. Những xoáy nước hút chóng mặt. Những con
cung quăng chạy nhảy điên cuồng, vô số xác những đàn phù du, xác những
đàn vờ chết rất thản nhiên, trắng xóa trên bờ. Chúng không băn khoăn gì về
đạo đức. Chúng không hùng biện.
Cô Phượng hỏi: "Anh thích thế à ?". Tôi bảo : "Cũng thích". Cô Phượng
bảo: "Tôi thấy không ý nghĩa gì. Anh phải biết rằng cuộc sống là rất rộng
lớn".
Tôi không trả lời. Tôi thấy cuộc sống của tôi và những người dân quê tôi
đơn giản bình thường không phải đặt ra qua nhiều câu hỏi. Chúng tôi sống,
lớn lên, hàng trăm ngàn vạn thế hệ nối nhau, quanh quẩn chuyện làm ăn, gia
đình, tôn giáo, nhà cửa, dục vọng.
Tôi bảo: "chỉ có nỗi buồn là vĩnh cửa". Cô Phượng bảo: "Có thể... nhưng
anh đừng khẳng định". Tôi hình dung ra xác những con phù du, những con
vờ bị sóng đánh tạt vào bờ. Tôi chợt nhận ra con người phải lùi rất xa mới
gạn lọc được đôi chút dấu vết giá trị văn minh, giống như hôm nay ta xúc
động bởi một câu Kiều, bởi một pho tượng Chàm, bởi một dấu vân tay trên