Năm 1440. Tới đây, muốn đi ngược lên quá năm này chúng ta lại phải
đổi... “phương tiện giao thông” một lần nữa. Bây giờ thì không còn sách in
nữa. Những dòng chữ in được thay bằng những dòng chữ viết tay.
Ngòi bút lông ngỗng từ từ viết trên giấy làm bằng da thú, và cũng với
nhịp điệu từ từ ấy, chúng ta lần từng bước, theo từng nét chữ đi vào quá khứ
xa xăm.
Ta tiếp tục đi sâu mãi vào đêm dài của các thế kỷ... Rồi các trang sách
bằng da lại nhường chỗ cho sách bằng vỏ cây chỉ thảo, và cho những chữ
khắc trên tường các đền chùa.
Những nét chữ trở nên bí hiểm, không đọc được, rồi đến thời kỳ các chữ
đó cũng hoàn toàn biến mất.
Tiếng nói của các thế hệ xưa kia như vậy là đã im bặt rồi.
Vậy thì những việc gì đã xảy ra trong những thời kỳ xa hơn nữa?
Ta tìm tòi trong lòng đất những vết tích của con người, nghiên cứu những
nấm mồ đã bị bỏ quên và những công cụ đã lỗi thời, các tấm bia đá ở những
công trình thượng cổ đã hoang tàn, những đống tro tàn, bếp lạnh.
Những di tích đó sẽ kể lại quá khứ của loài người, cho ta biết người xưa
đã sinh sống và lao động như thế nào.
Nhưng liệu những di tích đó có thể vạch rõ cách suy nghĩ và cho ta biết
tiếng nói của người xưa không?