Mỗi tiếng động nhỏ nhất, một mùi thoảng qua, một vết chân trong cỏ bất
cứ một tiếng kêu, một tiếng rít nào cũng có ý nghĩa, có giá trị như một mệnh
lệnh thúc giục hành động.
Con người thời tiền sử cũng lắng tai nghe các tín hiệu của thế giới xung
quanh. Nhưng anh ta còn sớm biết phân biệt cả những tín hiệu khác nữa do
những anh em cùng bộ lạc báo đi.
Thí dụ, một người đi săn bỗng tìm thấy dấu vết một con hươu, anh ta giơ
tay ra hiệu cho các bạn đi sau. Các bạn anh chưa trông thấy con vật, nhưng
nhận được tín hiệu đó, buộc họ phải cảnh giác đề phòng và siết chặt vũ khí
hơn: khác nào như đã thấy ở trước mắt họ lù lù hiện ra cặp sừng tua tủa
những gạc và đôi tai vểnh lên lo lắng của con hươu.
Vết chân con thú là một tín hiệu.
Cánh tay giơ lên để báo tin đã tìm thấy vết chân đó cũng là một tín hiệu
báo trước tín hiệu kia.
Mỗi khi một người đi săn nhận thấy những vết chân con thú hay nghe
thấy tiếng chân nó đi, anh ta lập tức truyền ra một tín hiệu loan báo cho các
bạn cùng bộ lạc biết.
Như vậy là trùm lên trên các tín hiệu do thiên nhiên báo đi, lại có tiếng
nói của con người, là thứ “tín hiệu loan báo các tín hiệu”, chỉ riêng loài
người mới có thôi.
Chính nhà bác học Páp-lôp, trong một cuốn sách của mình đã dùng danh
từ “tín hiệu loan báo các tín hiệu” để chỉ tiếng nói của con người.