Thoạt đầu, tiếng nói đó gồm những điệu bộ và những tiếng kêu không rõ
lời. Nhờ có mắt và tai làm trung gian, những “tín hiệu loan báo các tín hiệu”
đó được chuyển tới óc, hệt như những báo hiệu điện thoại truyền đến một
trung tâm điện thoại. Biết tin là có mồi săn ở gần, bộ óc của người đi săn lập
tức ra lệnh cho tứ chi. Lệnh truyền cho các ngón tay phải nắm chắc cán giáo,
đôi mắt phải nhìn chăm chú vào các bụi cây, đôi tai phải lắng nghe tiếng động
trong rừng cho thính.
Chưa trông thấy con thú, người đi săn đã ở tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Những điệu bộ ước lệ với nhau đó ngày càng nhiều, và theo đó càng ngày
càng có nhiều loại tín hiệu của tín hiệu được chuyển đến trung tâm chỉ huy,
tức là não bộ. Bộ óc càng ngày càng làm nhiều việc, và do rèn luyện, óc phát
triển thêm, có thêm những tế bào mới phức tạp hơn. Do đó khối lượng của óc
cũng lớn lên dần.
Bộ óc người Nê-ăng-đéc-tan lớn hơn bộ óc người-vượn từ 400 đến 500
phân khối. Thế là bộ óc của con người đã phát triển, tập suy nghĩ.
Khi nhận được tín hiệu mà ý nghĩa là “mặt trời”, anh ta nghĩ ngay đến
mặt trời, dù rằng lúc đó còn đêm tối.
Khi nhận được lệnh đứng lên đi tìm ngọn giáo, anh ta nghĩ ngay đến cái
giáo dù rằng trong tay không có giáo.
Nhu cầu của lao động tập thể đã luyện cho con người biết sử dụng lời nói,
và một khi đã có tiếng nói rồi thì con người bắt đầu biết suy nghĩ.
Trí tuệ con người như vậy không phải là do tạo hóa phú cho: chính nhờ
lao động mà con người phát triển trí tuệ.
LƯỠI VÀ CÁNH TAY ĐÃ THAY ĐỔI VAI TRÒ
Khi công cụ lao động còn ít và kinh nghiệm lao động của con người chưa
nhiều, người ta chỉ cần những điệu bộ đơn giản nhất để trao đổi ý kiến với
nhau.