thú nếu nó không bằng lòng để cho họ giết. Họ sở dĩ giết được một con bò
tót, chính là do con bò tót đã vui lòng hiến thân cho họ.
Như vậy là con bò tót đã trở thành “người cha nuôi nấng” che chở cho cả
thị tộc. Và ngay lúc đó, người che chở cho cả thị tộc là ông tổ chung của thị
tộc.
Do đó, các ý niệm về vị thần che chở và về con thú nuôi sống cả thị tộc,
cuối cùng đã nhập lại làm một trong trí óc thô sơ của con người thời xưa.
“Chúng ta là con cháu của Ngài bò tót”, những người đi săn đó nói như
vậy. Và quả họ tin chắc rằng người sáng lập ra thị tộc của họ, ông tổ chung
của họ chính là con bò tót. Khi nhà họa sĩ thời tiền sử vẽ ba túp lều bên hình
vẽ con bò tót, điều đó có nghĩa là: “doanh trại của con cháu Ngài bò tót”.
Trong lao động của mình, con người có quan hệ với con vật. Mà đối với
họ thì không thể có quan hệ nào khác mối quan hệ họ hàng. Nên khi họ giết
một con thú, họ xin lỗi nó và gọi nó là “người anh”. Và trong các điệu nhảy
múa, nghi lễ cầu hồn cho con vật bị giết, họ muốn làm giống hệt như con thú
nên lấy da nó mặc vào người và bắt chước các cử chỉ của nó.
Ở giai đoạn lịch sử đó, con người chưa quan niệm được cái “tôi” của
mình. Anh ta tự cảm thấy mình là một phần nhỏ của thị tộc, là công cụ ngoan
ngoãn của thị tộc. Mỗi thị tộc có một tên gọi, một “tô-tem”, nghĩa là một con
vật mà họ cho là người che chở và là ông tổ của thị tộc. Do đó thị tộc này
mang tên “Bò tót”, thị tộc kia mang tên “Gấu”, thị tộc nọ mang tên “Hươu”.
Mọi người đều sẵn sàng hy sinh tính mạng cho thị tộc mình. Đối với họ, các
phong tục của thị tộc là thể hiện ý chí của “tô-tem”, là một điều luật bất di
bất dịch.
NÓI CHUYỆN VỚI TỔ TIÊN
Một lần nữa, chúng ta lại đi vào “ngôi nhà” của người nguyên thủy, ngồi
cùng với họ bên bếp lửa, bàn luận với họ về tín ngưỡng và phong tục.